(HBĐT) - Ngày 18/11/1951, Tổng quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình trên cơ sở phân tích: Địch tập trung lực lượng đánh lên Hòa Bình là thời cơ để ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của chúng. Vì lực lượng của chúng phải trải ra trên một địa bàn rộng, công sự chưa được củng cố, địa hình không thuận lợi cho sự tác chiến của địch. Đồng thời tập trung quân cơ động cho mặt trận Hòa Bình, lực lượng của chúng ở đồng bằng sẽ bị dàn mỏng và có nhiều sơ hở, là thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh chiến tranh du kích ở đồng bằng.

 

Kế hoạch mở chiến dịch Hòa Bình được Bộ Chính trị thông qua. Ngày 24/11/1951, T.ư Đảng ra Chỉ thị “Nhiệm vụ phá cuộc tiến công Hòa Bình của địch” đã vạch rõ hai hướng tiến công: Một mặt phải động viên lực lượng đập tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của địch. Mặt khác phải tận dụng thời cơ phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ, tiến công vào sau lưng địch.

 

Nhằm giúp Hòa Bình khắc phục khó khăn, chuẩn bị phục vụ và phối hợp chiến dịch đánh địch ở Hòa Bình, Thường vụ Liên khu ủy III đã cử một ủy viên Thường vụ về trực tiếp chỉ đạo. Trong 2 ngày 23 - 24/11/1951, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bất thường có đồng chí ủy viên Thường vụ Liên khu ủy tham dự. Đại diện Liên khu ủy III phổ biến chủ trương mở Chiến dịch Hòa Bình của T.ư Đảng và Nghị quyết hội nghị bất thường của Thường vụ Liên khu ủy  III vào ngày 18 - 19/11/1951, trong đó có kế hoạch chỉ đạo cụ thể với Hòa Bình...

 

Cuối tháng 11, đầu tháng 12/1951, các Đại đoàn bộ đội chủ lực 320, 312, 304... tiến quân vào Hòa Bình làm công tác chuẩn bị chiến trường. Cùng với các Đại đoàn bộ đội chủ lực là các đoàn dân công từ vùng địch tạm chiếm len lỏi qua đồn bốt dày đặc của quân thù đưa lương thực, đạn dược vào phục vụ chiến trường. Sự có mặt của các đơn vị bộ đội chủ lực, các đoàn dân công thể hiện sức mạnh, quyết tâm giành thắng lợi của quân và dân ta đã có sức cổ vũ mạnh mẽ tinh thần Đảng bộ, quân dân trong tỉnh. Cả tỉnh từ vùng căn cứ Kim Bôi, vùng tụ do Lương Sơn... dấy lên khí thế sôi động. Toàn dân hăng hái giúp đỡ bộ đội, phục vụ chuẩn bị chiến trường.

 

Ngày 10/12/1951, cuộc tiến công tiêu diệt địch tại mặt trận Hòa Bình mở màn. Đợt một, bộ đội ta không đánh thẳng vào TX Hòa Bình, là nơi lực lượng địch mạnh và bố trí vững chắc mà tập trung lực lượng tiến công vị trí địch ở các cao điểm: Ba Vì, Tu Vũ, ven sông Đà và đường 6.

 

Từ ngày 10/12 đến cuối tháng 12/1951, được du kích và nhân dân địa phương giúp đỡ, phối hợp, các đơn vị bộ đội chủ lực đã liên tiếp tiêu diệt các vị trí: Ninh Mít ở tây nam núi Ba Vì (Sơn Tây), Tu Vũ (Phú Thọ), cao điểm 400 trên núi Ba Vì.

 

Trên địa bàn Hòa Bình, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích hoạt động mạnh trên quốc lộ 6 và tuyến sông Đà bằng những trận phục kích, tập kích tiêu diệt ở đồi Bục Bịch (Bãi Vàng, Kỳ Sơn). Tiểu đoàn 616 cùng du kích xóm Chăm (Quỳnh Lâm) diệt 10 tên địch, phá hủy 1 xe trên đường từ thị xã vào dốc Cun. Ngày 2/12/1951, 2 tiểu đoàn chủ lực phối hợp cùng một đại đội của Tiểu đoàn 616 và Đại đội 16 của Kỳ Sơn phục kích trên đường số 6 từ cầu Dụ đến hang Đá Thau. Chưa đầy 20 phút chiến đấu đã tiêu diệt hoàn toàn một đoàn xe 34 chiếc của giặc. Đây là một trong những chiến thắng vang dội trên đất Hòa Bình trong những ngày đầu chiến dịch.

 

(Còn nữa)                                                           H.N (TH)

 

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 - 2010)

 

Các tin khác


Tìm về nơi cổ nhất

(HBĐT) - Theo sách "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, xóm Trại thuộc xã Trung Hoàng, tổng Trung Hoàng, phủ Lạc Thổ, đạo Thanh Bình. Năm 1886, xóm Trại thuộc địa phận Mường Vang xưa, nay thuộc các xã Quý Hoà, Tân Lập, Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Với địa hình bao bọc xung quanh là núi đá vôi, hang xóm Trại nằm ở giữa là thung lũng đồng bằng rộng lớn được người dân canh tác lúa nước.

Bài 4: Một số di tích khảo cổ tiêu biểu của Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - 1 - Di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn): Từ khi phát hiện cho tới nay đã có tới 8 cuộc điều tra, thám sát, khai quật tại di tích. Những giá trị tiêu biểu: Đã phát hiện số lượng di vật đá xương phong phú nhất lên tới trên 5.000 tiêu bản.

Túi khót thầy mo Mường

(HBĐT) - Túi khót của thầy mo Mường là túi vải đựng những vật thể được cho là linh thiêng, đồ tế khí được dùng làm vật hộ thân, là công cụ trấn trị ma quỷ trong hành nghề của mình.

A1 - huyền thoại một ngọn đồi

(HBĐT) - Trong 39 ngày đêm chiến đấu kiên cường, máu, mồ hôi, nước mắt của bộ đội ta thấm đẫm đồi A1. Có những chiến sỹ cả ngày chịu đói vẫn chốt chặt vị trí chiến đấu. Nhiều người vừa đánh địch vừa bảo vệ thương binh. Có chiến sỹ bị thương vẫn gan dạ yểm trợ cho đồng đội tấn công.

Thị xã bên sông Đà anh dũng trong chống Mỹ

(HBĐT) - Sông Đà – dòng sông của thác ghềnh, dữ dội ngày nào giờ hiền hòa, lung linh trong ánh điện của công trình thế kỷ. Với người dân thị xã Hoà Bình xưa, dòng sông như nhân chứng, biểu tượng cho những con người anh dũng, quả cảm của biết bao thế hệ đã lên đường chiến đấu, hy sinh, góp phần cùng cả nước dành độc lập tự do ngày hôm nay.

Những địa điểm không thể bỏ qua khi đi du lịch ở Hòa Bình

Du lịch Hòa Bình hấp dẫn du khách bởi những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của các dân tộc miền nùi đang sinh sống tại đây

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục