Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình

Thành phố Hòa Bình trên đường về đích nông thôn mới

Thứ tư, 24/11/2021 | 7:06:45 Chiều

(HBĐT) - Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện và lâu dài. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, thành phố Hòa Bình chủ trương cần sự tập trung cao độ và sự kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị; đề cao vai trò của tổ chức Đảng, tinh thần tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên và vai trò làm chủ của Nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.


UBND thành phố Hòa Bình đã lồng ghép nhiều nguồn vốn chương trình dự án để ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất xã về đích nông thôn mới.

Năm 2018, thành phố Hòa Bình cũ đã được công nhận hoàn thành xây dựng NTM. Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP Hòa Bình mới hình thành trên cơ sở sáp nhập thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn cũ. Sau sáp nhập, thành phố có 19 đơn vị hành chính, trong đó có 7 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM. Với lợi thế và điều kiện tự nhiên, xã hội, chương trình xây dựng NTM của thành phố có những điều chỉnh đột phá để xứng tầm là trung tâm tỉnh lỵ của Hòa Bình.

Thành phố hiện nay hội tụ cơ bản những thế mạnh để bứt phá: Đất đai màu mỡ, hạ tầng giao thông kết nối, gồm cả đường thủy và đường bộ, được xác định là vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của thành phố là xây dựng NTM không chỉ tập trung cơ sở vật chất khang trang, bộ mặt nông thôn được đổi mới mà quan trọng hơn phải nâng cao đời sống của người dân. Với tinh thần đó, thành phố đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Giải pháp trọng tâm là triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn liền với liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập. Đến nay, thành phố đã xây dựng được hơn 10 mô hình tiêu biểu như nuôi gà, đà điểu, nuôi dê thương phẩm, trồng hoa cúc, trồng rau, trồng cây ăn quả các loại... Hình thành cơ cấu vùng với các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh và đặc sản địa phương...

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP là chìa khóa giúp tăng giá trị nền nông nghiệp thành phố. Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng bởi đại địch Covid-19, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp. Hỗ trợ các chủ thể định hình sản phẩm ý tưởng có tiềm năng, lợi thế của địa phương đăng ký tham gia phát triển sản phẩm OCOP, nhất là đối với các địa phương đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao năm 2020 và các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Đề nghị Văn phòng Điều phối NTM thành phố và các cơ quan chuyên môn liên quan kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm… và thiết lập các thủ tục, hồ sơ liên quan đảm bảo theo quy định. Đến cuối năm 2020, thành phố có 6 sản phẩm đạt sao OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 3 sao. Năm 2021 phấn đấu có thêm 6 sản phẩm OCOP được công nhận.

Nguồn vốn dành cho chương trình NTM được da dạng hóa, lồng ghép các nguồn lực đầu tư toàn xã hội, vốn các chương trình, dự án; phát huy nội lực trong Nhân dân; nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; vốn đầu tư từ doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài địa bàn… Trong năm 2020, tổng vốn huy động cho chương trình trên 171 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2021, nguồn vốn huy động trên 155 tỷ đồng. Đến nay, thành phố có 5/7 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, 1 xã NTM kiểu mẫu (Yên Mông) và 2 xã NTM nâng cao (Hợp Thành, Mông Hóa), trung bình đạt 18,2 tiêu chí/xã, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; 3 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 9 vườn mẫu. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 66 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,28%. Các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông được cải thiện; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét; dân chủ cơ sở được nâng cao.

Để xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh cũng như phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, từ nay tới năm 2025, thành phố chú trọng đầu tư nguồn lực, hoàn thành 100% số xã về đích NTM. Đồng thời những địa phương có khả năng, tiềm lực phát triển theo hướng đô thị, thành phố sẽ quy hoạch lên phường. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo chính quyền và Nhân dân thành phố xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thành ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Phấn đấu: Thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM, thành lập 1 phường mới, thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”, trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá, đôn đốc tiến độ xây dựng NTM gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Các xã rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định đảm bảo kết nối và phù hợp với quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết như: Quy hoạch xây dựng vùng xã, quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi; hệ thống cấp, thoát nước; cấp điện; phân vùng sản xuất nông nghiệp... gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, duy tu, bảo dưỡng, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn.

Phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đang triển khai để thu hút nhà đầu tư. Phát triển mạnh hệ thống các đại lý, cửa hàng tiện lợi, các kênh bán lẻ tại nông thôn để tiêu thụ sản phẩm. Coi trọng xây dựng, quảng bá các thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm của thành phố có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của thành phố và các xã, phường. Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực trong Nhân dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố… Trước mắt phấn đấu đến cuối năm 2021, hoàn thành xây dựng NTM xã Quang Tiến, NTM nâng cao đối với xã Mông Hóa; xây dựng thành công 3 khu dân cư kiểu mẫu và 6 vườn mẫu, tạo tiền đề để thành phố được công nhận lại đạt chuẩn NTM theo đúng lộ trình.

                                                                                   
            Hoàng Văn Minh, 
(Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hòa Bình)