Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình

Huyện Lương Sơn: Nhiều khó khăn trong kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường

Thứ hai, 13/12/2021 | 9:52:46 Sáng

(HBĐT) – Từ năm 2017 đến nay, mặc dù huyện Lương Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường (BVMT). Song, ý thức BVMT của một số doanh nghiệp, cá nhân chưa cao. Trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là các khu vực hoạt động sản xuất, chế biến, khai thác khoáng sản, sản xuất xi măng gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.



Khu dân cư Sấu Thượng, xã Thanh Cao (Lương Sơn) được huyện cấp phát thùng đựng rác để người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.  

Thời gian qua, huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giám sát thực hiện quy định của pháp luật về BVMT đối với các tổ chức, cá nhân. Cùng với ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện tích cực huy động sự tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM). MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị thường xuyên tổ chức hội nghị tuyên truyền, ra quân hưởng ứng phong trào "Toàn dân tham gia BVMT”, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, đưa tiêu chí xây dựng khu dân cư, xóm, xã, thị trấn xanh - sạch - đẹp là một trong những tiêu chuẩn để bình xét hộ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa…  Đến nay, 100% xã, thị trấn xây dựng được mô hình thu gom rác thải. 100% xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM…

Hiện, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện phát sinh ước tính khoảng 35 - 40 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt được nhà máy của Chi nhánh Công ty TNHH đầu tư thương mại Hoàng Long (thị trấn Lương Sơn) thu gom, xử lý. Với công suất khoảng 20 tấn/ngày, chi nhánh cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt của huyện.

Từ năm 2019 đến nay, Huyện ủy Lương Sơn tổ chức 2 cuộc đối thoại với Nhân dân tại các xã có mỏ đá hoạt động, bị ảnh hưởng môi trường. Năm 2019 đối thoại với người dân xã Cao Dương, Cao Thắng (cũ); năm 2020 đối thoại với Nhân dân xã Liên Sơn để lấy ý kiến của người dân nơi có các mỏ đá hoạt động, đồng thời có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Khắc Yến, Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết: Công tác kiểm soát ô nhiễm và BVMT của huyện mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song với số lượng mỏ khoáng sản được cấp phép lớn, việc kiểm soát ô nhiễm còn hạn chế, nhất là các khu vực hoạt động sản xuất, chế biến, khai thác khoáng sản, sản xuất xi măng gây ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn. Để kịp thời ngăn chặn, xử lý những vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, UBND huyện thành lập tổ công tác kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong năm 2020, UBND huyện tổ chức kiểm tra 14 cơ sở, ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở: Công ty CP sữa chua trân châu Hạ Long (xã Nhuận Trạch) về hành vi không có kế hoạch BVMT và Chi nhánh Công ty CP thực phẩm sạch HTT Hà Nội (xã Nhuận Trạch), tổng số tiền phạt 160 triệu đồng; đề xuất báo cáo UBND tỉnh xử phạt 2 cơ sở chăn nuôi với tổng số tiền phạt 678 triệu đồng: Công ty TNHH Thành Long (xã Cư Yên) và gia đình ông Lê Viết Nam (trại chăn nuôi gà xã Cao Dương)...

Ngoài ra, UBND huyện thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát hàng lang an toàn, khoảng cách từ khu chế biến, sản xuất đá với nhà dân tại các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ bản các doanh nghiệp đã lập hồ sơ về lĩnh vực BVMT; hồ sơ đề nghị xác nhận việc hoàn thành các công trình BVMT. Các công trình, biện pháp BVMT được doanh nghiệp đầu tư xây dựng như công trình thu gom, xử lý nước mưa chảy tràn, công trình xử lý bụi và khí thải, kho chứa chất thải nguy hại… Qua kiểm tra có 12 mỏ đã thực hiện đầy đủ các biện pháp BVMT, 22 mỏ chưa thực hiện đầy đủ.

Đồng chí Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết thêm: Thời gian tới, khắc phục những tồn tại, khó khăn trong công tác kiểm soát ô nhiễm và BVMT, huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền. Tăng cường bố trí nguồn lực, xã hội hóa trong lĩnh vực BVMT; bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác BVMT. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; thực hiện công tác quan trắc chất lượng môi trường để giám sát, đánh giá chất lượng các thành phần môi trường, tập trung xử lý điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Xây dựng, triển khai phương án thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn, thu gom, xử lý chai lọ, bao bì thuốc BVTV…


Thu Thủy