Huyện ủy, UBND huyện Lạc Thủy

Sôi động làng nghề đá cảnh thôn Sỏi

Thứ sáu, 7/10/2022 | 8:41:19 Sáng

(HBĐT) - Làng nghề đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thuỷ) đang vào thời điểm bận rộn cuối năm. Miệt mài từ sớm tinh mơ đến khi tối mịt, nghệ nhân trong làng say sưa chế tác, điêu khắc, tạo hình cho những sản phẩm nghệ thuật với chất liệu đá tự nhiên. Tiếng đục, đẽo, gọt mài trên đá tạo nên âm thanh sôi động.


Anh Phạm Văn Xuân (người đứng), trưởng làng nghề đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy) giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ chất liệu đá quý tự nhiên.

Từ quý III/2022, cơ sở Xuân Lan của anh Phạm Văn Xuân chuyển đổi thành Công ty TNHH đá nghệ thuật Khải Xuân, ngành nghề chính là cắt tạo dáng và hoàn thiện đá. Hiện tại, anh Xuân còn đảm nhiệm vai trò trưởng làng nghề đá cảnh thôn Sỏi. Qua câu chuyện của anh Xuân thì làng nghề khởi điểm hình thành tự phát từ năm 2001, nhờ ý tưởng của những bậc cha, chú trong thôn. Nơi đây cũng có lợi thế xung quanh là vùng núi đá vôi, có thể khai thác làm nguyên liệu tại chỗ. Thời kỳ đó, những người thợ đá trong nhân dân tự mày mò chế tác, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Dần dà, qua sách, báo, mạng xã hội họ nắm bắt, nghiên cứu thêm về yếu tố phong thủy, từng bước nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tháng 12/2015, thôn Sỏi chính thức được công nhận làng nghề. Hiện có 68 hộ thành viên làng nghề, thu hút hơn 200 công nhân, lao động của địa phương và một số tỉnh lân cận, thu nhập dao động từ 6,5 - 15 triệu đồng/người/ tháng. Đáng mừng là sản phẩm làng nghề được tiêu thụ trên thị trường ổn định. Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động làng nghề vẫn không bị ngừng trệ, sản phẩm duy trì được đầu ra. Cũng theo trưởng làng nghề Phạm Văn Xuân, ngoại trừ 3 tháng mùa mưa, từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau là mùa làng nghề bận rộn. Nhờ sản phẩm đáp ứng thị hiếu và có sự nhanh nhạy thích ứng trong quảng bá, tiếp thị sản phẩm nên được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Trước khi xảy ra dịch bệnh, sản phẩm làng nghề được xuất sang một số nước: Đức, Mỹ, Nhật Bản,Hàn Quốc, Trung Quốc.

Thăm quan làng nghề, chúng tôi "mục sở thị” các công trình nghệ thuật bằng đá được chế tác, điêu khắc hết sức tỉ mỉ, cầu kỳ. Mọi công đoạn đều được làm bằng tay, tốn nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, từ phác thảo trên đá, chọn màu sắc, kích cỡ đến làm thô, cho ra hình dạng, làm nguội, đánh bóng… đòi hỏi nghệ nhân phải có niềm đam mê, tính kiên trì. Những nghệ nhân làm nghề chế tác đá ở đây cho biết, nhờ quá trình tích luỹ kinh nghiệm, truyền dạy và tiếp thu cái mới, sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, phong phú, đạt đến độ tinh xảo. Có thể kể đến các sản phẩm đá viên, đá tảng, núi non bộ tạo cảnh quan cho sân vườn, bàn ghế đá, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như linh vật, lục bình phong thuỷ… Giá trị mỗi sản phẩm tuỳ thuộc vào các yếu tố: chất liệu đá màu quý (đá ngũ sắc, đá xanh mã não, đá báo hồng, đá đen, đá mộc hoá thạch…), độ già, non, đường nét nghệ thuật trên đá. Mặt khác, phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng, khối óc của các nghệ nhân.

Hiện nay, làng nghề có 18 cơ sở lớn, thành lập được 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành đá cảnh. Tiêu biểu là các doanh nghiệp Lê Gia, Khải Xuân, Sơn Nga, Phú Cường… thu hút và tạo nhiều việc làm cho lao động làng nghề. Ngoài lượng khách hàng đến thăm quan thực tế để chọn mua sản phẩm, làng nghề phát triển mạnh về bán hàng online, được người tiêu dùng trong nước tin dùng, tiêu thụ mạnh nhất ở thị trường miền Nam.

Bên cạnh bước phát triển của làng nghề góp phần tạo diện mạo mới ở địa phương, trưởng làng nghề và những nghệ nhân tâm huyết nơi đây vẫn trăn trở về chất lượng nguồn điện phục vụ sản xuất chưa ổn định. Đặc biệt mong muốn quy hoạch nơi sản xuất làng nghề tập trung và xử lý tốt về chất thải, khí thải nhằm hạn chế việc khai thác tài nguyên tràn lan, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân làng nghề trong bảo vệ môi trường sống.


Bùi Minh