Huyện ủy, UBND huyện Lạc Thủy

Kỳ vọng đề án trồng cây lấy măng ở huyện Lạc Thủy

Thứ bảy, 18/2/2023 | 8:04:36 Sáng

(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy có thế mạnh phát triển lâm nghiệp với lợi thế về đất đai, giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi lưu thông hàng hóa. Diện tích trồng rừng hàng năm của huyện từ 850 - 900 ha theo hướng thâm canh, trong đó kết hợp phát triển các loại cây lâm sản phụ ngoài gỗ đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Đề án "Phát triển cây lấy măng trên địa bàn huyện Lạc Thủy giai đoạn 2022 - 2025" mở ra triển vọng tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, gia tăng giá trị sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.




Công ty CP Kim Bôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) chuyên thu mua, chế biến các sản phẩm từ măng. 

Qua khảo sát, diện tích trồng cây lấy măng trên địa bàn huyện đến hết năm 2021 là 155 ha. Trong đó, tre bát độ 18 ha, năng suất 44,3 tấn/ha; luồng 34,3 ha, năng suất 23,6 ha; bương 35,5 ha, năng suất 25,1 tấn/ha; tre gai 67,2 ha, năng suất 21,5 tấn/ha. Trên thực tế, sản lượng măng khai thác hàng năm chiếm khoảng 30% tổng sản lượng măng trên địa bàn huyện, tương đương khoảng 1.183 tấn măng tươi các loại. Vùng trồng các loại cây lấy măng (tre gai, tre bát độ, bương, luồng) rải rác tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Ngoài khai thác cây trưởng thành để sử dụng vào mục đích lấy gỗ nguyên liệu phục vụ xây dựng và gia dụng, việc khai thác măng phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, chưa mở rộng thành vùng hàng hoá.  

Trên địa bàn huyện hiện có Công ty CP Kim Bôi, tại thị trấn Ba Hàng Đồi, chuyên chế biến các sản phẩm từ măng với diện tích nhà xưởng 13.640,9 m2, công suất thiết kế 1.400 tấn/năm, sản lượng năm 2022 là 5.000 tấn, doanh thu 72 tỷ đồng. Công ty sản xuất 27 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có thể nói đây là lợi thế rất lớn để huyện Lạc Thủy phát triển cây măng.

Với diện tích đất rừng núi đá tương đối lớn, có nhiều thung lũng, chân núi phù hợp với phát triển vùng trồng chuyên canh cây lấy măng. Tuy nhiên, hiện tại việc trồng cây lấy măng chủ yếu tự phát, quy mô nhỏ, chưa đầu tư thâm canh, do đó diện tích, năng suất, sản lượng măng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản xuất cây lấy măng tại huyện chưa có liên kết giữa các hộ sản xuất, tiêu thụ hầu hết không có hợp đồng, chưa liên doanh, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp; sản phẩm chủ yếu ở dạng sơ chế, tiêu thụ tại các chợ nông sản trên địa bàn huyện.
Với mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng mới trên 80 ha (năm 2023 là 29 ha, năm 2024 là 29 ha, năm 2025 là 22 ha), đưa tổng diện tích trồng cây lấy măng trên địa bàn lên 235 ha. Trong đó, xã An Bình và Hưng Thi 14 ha/xã; xã Thống Nhất, Phú Nghĩa, thị trấn Ba Hàng Đồi 10 ha/xã, thị trấn; xã Phú Thành 7 ha; xã Đồng Tâm 5 ha; xã Khoan Dụ, Yên Bồng 4 ha/xã; thị trấn Chi Nê 2 ha, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Năng suất măng đạt trung bình 35 tấn/ha, đến năm 2025 sản lượng đạt trên 7.000 tấn/năm. Thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tổng chi phí đầu tư trồng mới trong 3 năm đầu dự kiến trên 7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ về giống, KHKT trên 920 triệu đồng; vốn đối ứng của người sản xuất trên 6,1 tỷ đồng.

  Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết: Đề án triển khai sẽ góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, tạo vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao giá trị của rừng; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ tốt môi trường sinh thái, nâng độ che phủ rừng. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào khâu chế biến, lưu thông tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo ra nhiều chu kỳ sản xuất bền vững. Do đó, huyện tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp về đất đai, kỹ thuật, lao động, khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm và huy động nguồn lực thực hiện đề án. Theo đó, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát các loại đất để đảm bảo vùng trồng tập trung, thuận lợi cho quá trình quản lý, tổ chức sản xuất; đưa giống có chất lượng, năng suất cao phát triển trồng mới. Khai thác nguồn lao động tại chỗ của địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động. Liên kết với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản, thu mua sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ măng.

Đinh Thắng