Xã Thạch Yên cải thiện thu nhập cho người dân
Thứ bảy, 7/9/2024 | 8:21:02 Sáng
Xã Thạch Yên (Cao Phong) có 10 xóm, trên 1.150 hộ với hơn 5.150 nhân khẩu. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã chú trọng huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, triển khai các nguồn vốn vay, tổ chức nhiều lớp tập huấn về sản xuất, từng bước cải thiện đời sống người dân.
Mô hình chăn nuôi bò của gia đình bà Bùi Thị Sành, xóm Theo, xã Thạch Yên (Cao Phong) cho thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
Để phát triển kinh tế bền vững, xã vận động người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh quảng bá, tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Hiện xã canh tác trên 350 ha lúa, 47 ha ngô, 25 ha sắn, 70 ha mía, 50 ha cây ăn quả. Toàn xã phát triển trên 1.360 con trâu, 300 con bò, trên 2.130 con lợn, 23.000 con gia cầm, 290 con dê, trên 800 đàn ong. Xã quan tâm tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng sâu bệnh hại cây trồng. Xã xây dựng, phát triển được 2 sản phẩm OCOP 4 sao là rượu nếp râu, và rượu mía, từng bước khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường. Hiện, tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa bàn đạt trên 57 tỷ đồng, Ngân hàng NN&PTNT dư nợ 36,8 tỷ đồng, thông qua 14 tổ tiết kiệm và vay vốn với 495 hộ vay, chủ yếu vay sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.
Đồng chí Bùi Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: "Thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đưa các loại cây, con giống phù hợp điều kiện thực tế địa phương vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng đất. Trong đó, theo đặc thù địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, xã định hướng bà con phát triển chăn nuôi trâu, bò, trồng mía và phát triển cây lâm nghiệp. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã đã và đang tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông phục vụ sản xuất, giao thương thuận lợi, phát triển KT-XH địa phương, từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Thăm mô hình nuôi bò của bà Bùi Thị Sành, xóm Theo, bà Sành chia sẻ: "Trước kia, kinh tế gia đình tôi còn nhiều khó khăn, làm ăn manh mún, cái nghèo luôn đeo bám. Nhờ chăm chỉ lao động và được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, vốn vay, đến nay cuộc sống đã khấm khá hơn. Gia đình có khoản tích lũy để mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình và phòng khi đau ốm. Hiện, gia đình tôi nuôi 10 con bò, trồng 4.000 m2 mía trắng, 1 ha keo, đem lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững”.
Thạch Yên có phong cảnh núi rừng hùng vĩ, người dân thân thiện, mến khách cũng là tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thời điểm giữa tháng 5, cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 11, du khách đến với Thạch Yên sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ruộng bậc thang óng vàng rực rỡ, thơ mộng, tạo điểm nhấn ấn tượng giữa màu xanh đại ngàn, hứa hẹn là điểm check-in lý tưởng cho những ai yêu thích trải nghiệm, khám phá. Xã còn lưu giữ được nhiều nét đẹp đặc trưng đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, phong tục tập quán, ẩm thực phong phú. Chùa Khánh được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, người dân khắp nơi đến chùa tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng. Từ năm 2023 đến nay có gần 8.000 lượt du khách đến tham quan, chiêm bái.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hỗ trợ phát triển KT-XH, xã huy động trên 2.300 ngày công phát dọn trên 15.000m2 mương máng, đường giao thông, thu gom rác thải, duy tu, sửa chữa các công trình phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất cho bà con. Triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xã huy động 24 hộ hiến 92.500 m2 đất nhằm nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông trên địa bàn.
Tuy vậy, do đặc thù xã vùng cao, địa hình, khí hậu không thuận lợi, việc canh tác, sản xuất và lưu thông hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Xã mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng, vốn vay sản xuất, đưa những loại cây, con phù hợp, có giá trị kinh tế vào canh tác, giúp bà con nâng cao thu nhập. Hiện, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,59%. Xã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Anh