Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Giữ mạch nguồn văn hóa để phát triển du lịch Cao Phong

Thứ ba, 28/3/2023 | 8:57:13 Sáng

(HBĐT) - Xác định văn hóa là tài nguyên quý và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, bám sát định hướng xuyên suốt: Phải giữ được mạch nguồn văn hóa để phát triển du lịch một cách bền vững.



Người dân xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc Mường để phát triển du lịch cộng đồng.

Văn hóa là nguồn lực phát triển du lịch

Xóm Mỗ, xã Bình Thanh là điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) nổi tiếng của huyện. Nơi đây có gần 100 nếp nhà sàn truyền thống nằm bình yên giữa thiên nhiên. Người dân vẫn giữ được vẹn nguyên các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Mường Thàng. Văn hóa chính là giá trị cốt lõi để xóm Mỗ phát triển du lịch.   

Gia đình chị Bùi Thị Chiều đang làm DLCĐ ở xóm Mỗ. Chị Chiều cho biết: Cả xóm hiện có hơn 30 hộ làm DLCĐ. Loại hình du lịch gắn với trải nghiệm ngay tại nhà dân và khám phá văn hóa bản địa đã thổi "làn gió” mới vào nhận thức, mang thêm cơ hội phát triển kinh tê cho người dân. Làm DLCĐ nghĩa là mỗi người dân trở thành một hướng dẫn viên, một đại sứ du lịch. Vì thế, chúng tôi phải yêu, phải hiểu các giá trị văn hóa của dân tộc mình để giới thiệu tới du khách một cách trọn vẹn.

Không riêng xóm Mỗ, trên địa bàn huyện Cao Phong đang có một số mô hình DLCĐ hoạt động khá hiệu quả. Điển hình như: HTX DLCĐ tại xóm Mừng, xã Hợp Phong; điểm DLCĐ tại xóm Quà, xã Thạch Yên (Homestay ECOLODGE); điểm DLCĐ tại xóm Tiện, xã Thung Nai... Cùng với đó, huyện có 3 khu di tích lịch sử - văn hóa được công nhận là di tích quốc gia, 1 khu được công nhận di tích cấp tỉnh. Để đưa văn hóa truyền thống đi sâu vào đời sống hiện đại, huyện tích cực duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khôi phục trò chơi dân gian trong các dịp lễ hội, khai thác trở thành sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương.

"Đặc biệt những năm qua, huyện chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm khơi thông, khai thác các giá trị văn hóa trở thành nguồn lực phát triển du lịch. Bởi Mường Thàng - Cao Phong vốn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đáng tự hào. Trong nỗ lực gìn giữ, phát huy hồn cốt của văn hóa Mường Thàng, huyện xác định rõ hướng đi để vừa giữ được mạch nguồn văn hóa trong cuộc sống đương đại, vừa khai thác để phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” - Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ.

Quyết tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

 UBND huyện Cao Phong đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó xác định: Phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng huyện thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, phong phú, đa dạng. Để làm được điều đó, định hướng của huyện là phát triển du lịch bền vững, gắn chặt với bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy giá trị các không gian văn hóa, môi trường di sản văn hóa để xây dựng các điểm du lịch mang đặc trưng văn hóa bản địa. Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng thu hút đầu tư phát triển du lịch của huyện đạt trên 3.525 tỷ đồng, tăng trưởng du lịch bình quân đạt 15%/năm; đến năm 2025 thu hút trên 500.000 lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.

Những năm gần đây, phát triển du lịch luôn được huyện chú trọng. Đặc biệt, từ khi BCH Đảng bộ huyện khóa XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 22/11/2017 về phát triển du lịch huyện Cao Phong giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030, công tác phát triển du lịch đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Đây tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ghi nhận từ thực tế, nỗ lực khơi thông mạch nguồn văn hóa để phát triển du lịch của huyện đã bước đầu tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, hình thành được những điểm du lịch hấp dẫn. Cả hệ thống chính trị và người dân đã cùng vào cuộc với quyết tâm gìn giữ, phát huy hồn cốt văn hóa dân tộc, khai thác trở thành các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.

Đồng chí Hà Văn Di, Bí thư Huyện ủy Cao Phong trao đổi: Huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa tiêu biểu để xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn mang đặc trưng văn hóa Cao Phong, có sức hút đối với du khách. Hiện, trên địa bàn đang triển khai một số dự án sử dụng NSNN với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng, trong đó có một số dự án trọng điểm về lĩnh vực văn hóa - du lịch, như: Dự án quy hoạch bản DLCĐ Giang Mỗ, xã Bình Thanh; dự án xây dựng khu không gian bảo tồn di sản văn hóa mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong; dự án đường hạ tầng du lịch ven hồ Cạn Thượng… Bên cạnh đó, có 8 dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng. Đó sẽ tiếp tục là những giá trị được kết nối hữu hiệu để tạo thêm nguồn lực thúc đẩy du lịch huyện Cao Phong phát triển xứng tầm, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra.

Thu Trang