Với thủ đoạn giả là đại diện một quỹ viện trợ chuyên đầu tư vào các dự án trồng rừng ở Việt Nam mang tên "Dream Gaming” có trụ sở tại Ấn Độ, đối tượng đã dựng lên màn kịch lừa doanh nghiệp vào tròng để chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng...
Kịch bản lừa đảo tinh vi
Theo đó, cuối năm 2023, thông qua mối quan hệ xã hội, Nguyễn Ngọc Trung (sinh năm 1980), trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) gặp gỡ và biết được bà Trương Thị Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình (TP Hoà Bình) đang có nhu cầu về vốn đầu tư dự án trồng rừng tại huyện Mai Châu. Trung đã đưa ra những thông tin không có thật về việc mình là Phó Giám đốc Công ty TNHH giải pháp 3Tcom, có mối quan hệ với một quỹ có tên "Dream Gaming”, trụ sở tại Ấn Độ. Quỹ có nguồn vốn viện trợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chuyên đầu tư vào các dự án trồng rừng ở Việt Nam.
Để bà Bình tin là thật, Trung nói nếu Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình muốn nhận được khoản viện trợ thì hàng ngày phải nộp tiền đối ứng bằng hình thức chuyển khoản đến tổ chức Dream Gaming vào buổi sáng, đến buổi chiều tiền viện trợ sẽ được chuyển khoản vào tài khoản của bà Bình, gồm tiền đối ứng đã chuyển, cộng với số tiền viện trợ (bằng 10% số tiền đối ứng đã chuyển vào buổi sáng). Trong tổng số 10% tiền viện trợ đó, bà Bình phải chuyển 50% cho bên vận hành, 50% còn lại chuyển 5% cho bên môi giới, 45% được đầu tư vào dự án của bà Bình. Trung đưa ra thông tin tổ chức Dream Gaming sẽ viện trợ cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình 400 tỷ đồng với yêu cầu Công ty Mai Bình phải đối ứng từ 3 - 5 tỷ đồng, Công ty TNHH giải pháp 3Tcom sẽ nắm giữ 20% cổ phần của Công ty Mai Bình để giám sát dòng tiền viện trợ. Bà Bình đồng ý và nhờ Trung giúp làm thủ tục để nhận được viện trợ từ quỹ Dream Gaming.
Thấy bà Bình tin tưởng vào những thông tin gian dối mình đưa ra, Trung yêu cầu bà viết Đơn xin viện trợ. Trung làm giả một quyết định viện trợ nội dung Công ty TNHH giải pháp 3Tcom quyết định viện trợ số vốn từ Quỹ Dream Gaming cho Công ty Mai Bình để đưa cho bà Bình. Đồng thời cung cấp 8 mã QR chứa thông tin tài khoản để bà Bình chuyển tổng 800 triệu đồng đến các tài khoản đó (các tài khoản mang tên của nhiều người); sau đó, thông qua nhiều tài khoản khác Trung chuyển lại 880 triệu đồng vào tài khoản của bà Bình, gồm 800 triệu đồng là tiền đối ứng, 80 triệu đồng là tiền viện trợ cho Công ty Mai Bình.
Trong các ngày 5 và 8/1/2024, Trung tiếp tục cho bà Bình thông tin tài khoản để bà chuyển tổng số tiền 700 triệu đồng vào các tài khoản theo yêu cầu. Khi đã chuyển tiền theo yêu cầu nhưng không thấy có tiền gốc và tiền viện trợ chuyển lại như lần trước, bà Bình hỏi và đòi lại số tiền đã chuyển thì Trung đưa ra nhiều lý do không đúng sự thật, không trả lại mà chiếm đoạt luôn số tiền đối ứng 700 triệu đồng bà Bình đã chuyển vào các tài khoản Trung đưa ra...
Tuân thủ triệt để nguyên tắc cẩn trọng để tránh sập bẫy
Theo Thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh thì đây là một trong nhiều vụ việc các đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn giả danh là đại diện các tổ chức, quỹ viện trợ nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên cả nước, trong đó có các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Các đối tượng lợi dụng về nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân đưa ra những thông tin gian dối, không có thật để thực hiện hành vi lừa đảo. Để tạo niềm tin cho "đối tác”, các đối tượng đã vẽ ra yêu cầu chuyển một số tiền đối ứng nhất định. Sau một vài lần "chuyển qua, chuyển lại” để tạo niềm tin đối với nguồn tiền viện trợ là có thật, các đối tượng mới thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền các tổ chức, doanh nghiệp chuyển vào tài khoản chúng đưa ra.
Để giúp người dân, doanh nghiệp tránh sập bẫy tội phạm lừa đảo, trong 3 tháng đầu năm 2025, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã tổ chức 302 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Đăng tải 1.318 thông báo trên các trang mạng xã hội phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho trên 17 nghìn lượt người dân để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa. Các cơ quan chức năng khuyến cáo để phòng ngừa thủ đoạn giả danh các tổ chức nước ngoài chiếm đoạt tài sản, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần cẩn trọng xác minh thông tin phía đối tác đưa ra; tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến các tổ chức, quỹ tài trợ, viện trợ phát triển nước ngoài; cẩn trọng trước những lời mời chào hấp dẫn. Không nên nghe và làm theo những lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm theo các cách thức để được nhận viện trợ tài chính dễ dàng, nhất là đối với những khoản tiền tài trợ lớn, trong khi việc thực hiện các thủ tục lại đơn giản, không đòi hỏi chứng minh năng lực tài chính cũng như các vấn đề thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư...
Mạnh Hùng