Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lạc Sơn không bỏ lỡ cơ hội phát triển: Bài 2 - Cầu thị, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, xoá điểm trắng về thu hút đầu tư

Thứ năm, 28/7/2022 | 9:24:56 Sáng

(HBĐT) - Mục tiêu cụ thể, rõ ràng, quyết tâm cao, cách làm linh hoạt, hiệu quả, huyện Lạc Sơn đã và đang tạo chuyển động trong cả hệ thống chính trị, truyền lửa đổi mới, cùng hành động, giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ các dự án triển khai. Trở thành địa phương không còn là "vùng trắng” về thu hút đầu tư (THĐT), mở ra không gian phát triển, bứt phá vươn lên.




Nhà máy may Hồ Gươm (Lạc Sơn) giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương.

Huyện Lạc Sơn đang dần thoát khỏi "vùng trũng” về THĐT. Nhận thức rõ việc chậm trễ trong GPMB và cải cách thủ tục chính là những cản trở lớn nhất trong THĐT ở nhiều địa phương trong cả nước, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp then chốt, đó là quản lý đất đai và GPMB. Những kinh nghiệm chỉ đạo công tác GPMB dự án quốc lộ 12B, đường nối quốc lộ 12B với đường Hồ Chí Minh đi quốc lộ 1, dự án hồ Cánh Tạng… đã được đúc rút kinh nghiệm để kế thừa, bổ sung những giải pháp, biện pháp phù hợp với công tác GPMB những dự án sau này. Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn Nguyễn Ngọc Điệp cho biết: Mường Vang là địa phương đất rộng, dân đông, xuất phát điểm thấp, được coi là "vùng trũng” THĐT của tỉnh. Muốn thu hút được các dự án, nguồn lực phát triển đô thị phải có quỹ đất sạch. Và muốn có quỹ đất sạch phải quản lý chặt chẽ được đất đai, tài nguyên. Đây cũng là lý do để huyện ban hành nghị quyết về quản lý đất đai, GPMB để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đối với công tác GPMB, huyện xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phân công cho đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước BTV Huyện ủy, Đảng bộ huyện. Huyện chỉ đạo xây dựng kế hoạch GPMB cho từng dự án. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm trực tiếp với Huyện uỷ, UBND huyện về tiến độ GPMB các dự án đầu tư. Đồng thời, Thường trực Huyện ủy phải luôn bám sát nắm bắt những kiến nghị, khó khăn để chỉ đạo giải pháp hỗ trợ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai thuận lợi, hiệu quả. Đối với nhà đầu tư (NĐT), vấn đề cốt tử là chính quyền phải giải quyết được vấn đề đất đai sớm nhất. Thực tế, đất đai của huyện manh mún, một mảnh đất khoảng 5 ha có tới vài chục hộ sở hữu, mỗi người đòi hỏi mức đền bù khác nhau, NĐT không thể đến thoả thuận với từng hộ. Chính quyền địa phương đã đứng ra hỗ trợ NĐT, tổ chức họp dân, bàn, phân tích lợi ích, thống nhất giá cả, phương án đền bù. Sau đó, NĐT mang tiền trả cho dân. Vai trò nêu gương, thái độ cầu thị, trân trọng, sát cánh hỗ trợ NĐT GPMB, thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng là rất quan trọng. Vì Lạc Sơn không nhiều thuận lợi như các địa phương khác, nếu không có quan điểm nhất quán, có thái độ và sự giúp đỡ thiết thực dành cho NĐT chắc chắn họ tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. Thậm chí phải cùng NĐT gặp khó khăn, vướng mắc các thủ tục về hành chính. Đây là cách làm của huyện Lạc Sơn đang triển khai để hỗ trợ NĐT tiếp cận mặt bằng sạch. 

Công ty TNHH Thiên Diệu đang nghiên cứu triển khai 2 dự án đầu tư tại địa bàn huyện, trong đó nhà máy sản xuất giày da trên địa bàn xóm Hổ, xã Ân Nghĩa có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, từ tháng 3 - 6/2022 đã hoàn thành GPMB 4,5 ha để xây dựng nhà xưởng, dự kiến đến tháng 9/2022 chính thức đi vào hoạt động. Ông Hà Đức Hải, Giám đốc công ty cho biết: Công ty luôn được sự hỗ trợ thiết thực của huyện về thủ tục GPMB, các thủ tục khác nên quá trình nghiên cứu, quyết định và triển khai xây dựng bảo đảm tiến độ, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động.

Nắm bắt khó khăn để hỗ trợ các NĐT về thủ tục cũng đã đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp đến đầu tư tại huyện Lạc Sơn. Mới đây, có doanh nghiệp xây dựng 2 xưởng may ở vùng khó khăn xã Tân Lập và Văn Nghĩa còn thiếu một số thủ tục theo quy định, nhưng đây là doanh nghiệp làm thật, thực tế đã đi vào hoạt động, giải quyết cho cả nghìn lao động. Huyện vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp làm các thủ tục đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng... để doanh nghiệp hoạt động mang lại việc làm, thu nhập tốt cho dân.

Huyện cũng đã linh hoạt vận dụng hoàn thành dứt điểm GPMB từ các dự án ngân sách Nhà nước. Như dự án khu đô thị Thượng Cốc đã cơ bản GPMB xong, chỉ còn 1 ngôi mộ tổ của người dân, yêu cầu hỗ trợ cao hơn mức quy định, trong khi đó cơ chế, chính sách quy định theo khung, huyện đã chỉ đạo tìm kiếm nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ người dân di dời. Hoặc như dự án hồ chứa nước Cánh Tạng còn 8 hộ cần phải di chuyển để thi công trước Tết muốn được hỗ trợ thêm, huyện đã vận dụng huy động nguồn xã hội hoá hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng để di chuyển kịp thời phục vụ thi công.

Những biện pháp cụ thể này mang lại hiệu quả thiết thực. Tính đến hết tháng 6/2022, huyện thu hút được 31 dự án đầu tư (gồm 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 29 dự án đầu tư trong nước) với số vốn đăng ký 11.277 tỷ đồng, tăng gần 8.000 tỷ đồng so với năm 2021, tổng diện tích đất thực hiện dự án khoảng 700 ha, tăng 276 ha so với năm 2021. Đặc biệt, có  3 dự án đầu tư gồm dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng khoáng nóng hồ Khả, tổng mức đầu tư trên 2.600 tỷ đồng; dự án khu đô thi sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung, tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, dự án nhà máy giày da Thiên Diệu 50 tỷ đồng. Các dự án trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho khoảng 3.700 lao động. Dự kiến năm 2022, các doanh nghiệp nộp ngân sách khoảng 10 tỷ đồng. Năm 2022, ước tính có gần 10 dự án khởi công, bên cạnh đó có nhiều dự án do tỉnh tin tưởng giới thiệu về địa phương đầu tư cũng đang khởi động.

Gần đây, huyện Lạc Sơn chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và các xã rà soát thống kê các hộ nghèo, từ đó phối hợp với các nhà máy ưu tiên tuyển lao động hộ nghèo. Theo Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Ngọc Điệp, chỉ cần 1 gia đình có 1 người làm trong nhà máy với mức lương 6 - 7 triệu đồng, nhà có 4 - 5 người là có thể thoát nghèo, vì theo chuẩn nghèo mới thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng là thoát nghèo; nếu cả 2 vợ chồng làm trong nhà máy có thể trở thành hộ khá. Đây cũng là hướng giải quyết việc làm, THĐT trong thời gian tới của huyện để cụ thể hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững. 

Thời gian qua, huyện Lạc Sơn đã siết chặt công tác quản lý đất đai, tài nguyên, sát cánh, đồng hành hỗ trợ NĐT đã củng cố niềm tin của các NĐT vào địa bàn, quyết tâm triển khai các dự án. Khi có thông tin các NĐT nghiên cứu khảo sát, có nhiều tổ chức, cá nhân vào địa bàn thu gom đất, mua bán đất trái phép, lường trước nếu để xảy ra tình trạng này thì ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, có thể mất cơ hội quý phát triển. BTV Huyện ủy đã kịp thời chỉ đạo nắm bắt tình hình, ngăn chặn tình trạng thu gom đất để đầu cơ trục lợi. Đặc biệt đã chỉ đạo xử lý nghiêm những cán bộ, công chức làm tay trong để thu gom đất, đồng thời tổ chức đối thoại với Nhân dân bị ảnh hưởng, nhằm tạo đồng thuận ủng hộ chủ trương THĐT của tỉnh, huyện. Việc làm này đã mang lại kết quả tích cực. Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng đã cơ bản hoàn thành GPMB, huyện đang tập trung thực hiện GPMB các dự án đấu giá đất; hỗ trợ NĐT thực hiện GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh; dự án hồ Khả, Đồi Thung dự kiến sẽ khởi công trong quý III năm nay.

(Còn nữa)

Lê Chung