Huyện Lạc Sơn: Kiên quyết không để thiệt hại về người do chủ quan, bất cẩn
Chủ nhật, 8/9/2024 | 3:31:40 Chiều
Các hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét được hỗ trợ chuyển đến khu vực an toàn; những ngôi nhà tốc mái, hư hỏng một phần được cộng đồng giúp sức gia cố ngay; những tuyến đường bị sạt lở đất và cây xanh, cột điện bị đổ được xử lý, khắc phục kịp thời đảm bảo lưu thông; những ngầm tràn, vị trí xung yếu, nguy hiểm luôn có lực lượng túc trực và đặt biển cảnh báo, barie không để người, phương tiện qua lại… Đó là những biện pháp được huyện Lạc Sơn tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế mức độ thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra.
Lực lượng phòng chống thiên tai xã Bình Hẻm (Lạc sơn) đến tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hộ hoàn cảnh khó khăn.
Với địa hình đồi núi dốc, xã Miền Đồi đang là một trong những điểm nguy cơ cao về thiên tai. Sáng 7/9, gia đình ông Bùi Văn Chon và Bùi Văn Tí ở xóm Thượng Riêng đã bị đất sạt vào nhà gây nứt tường. Trước tình thế trên, các lực lượng phòng, chống thiên tai của địa phương đã mau chóng hỗ trợ các hộ di dời, chuyển toàn bộ tài sản về nơi tránh trú. Đồng thời, trực tiếp đến nhà dân tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và hỗ trợ một số nhu yếu phẩm cho hộ hoàn cảnh khó khăn. Tại xã còn phát hiện tuyến kênh năng lượng của Công ty thủy điện Miền Đồi bị nứt 1 đoạn dài khoảng 20m, vết nứt rộng chừng 5 cm. Vị trí này đã được khoanh vùng và đặt biển báo cấm đặc biệt nguy hiểm.
Đến trưa 8/9, cơn bão số 3 gây thiệt hại gần 2 tỷ đồng cho huyện Lạc Sơn, chủ yếu về nông, lâm nghiệp. Về nhà cửa, có 13 nhà bị tốc mái rải rác ở các xã, trong đó 11 nhà dân, 2 nhà lớp học, ước thiệt hại 125 triệu đồng. Theo thông tin từ chính quyền các xã Tự Do, Văn Sơn, Miền Đồi, Thượng Cốc, Ngọc Sơn, các công trình nhà ở của hộ dân bị tốc mái đều đã được giúp đỡ gia cố phần mái chắc chắn hơn.
Sau bão số 3, người dân được trợ giúp trong trường hợp cần thiết phải đi qua các ngầm. Ảnh chụp tại ngầm Anh, xã Thượng Cốc (Lạc sơn).
Đặc biệt, với phương châm "An toàn tính mạng của người dân là trên hết”, các địa phương đã chủ động sơ tán người và tài sản ra khỏi những khu vực nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, khu vực ngập sâu, ven sông, suối. Công tác di dời nhà ở cho 125 hộ được tiến hành tích cực, kịp thời. Hầu hết các hộ được di chuyển đến điểm trường học, nhà văn hóa xóm an toàn. Một số hộ chuyển đến gia đình thân quen, họ hàng để tránh bão. Đồng chí Bùi Thế Hòa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Bên cạnh công tác ứng phó với bão số 3, huyện tăng cường chỉ đạo các xã về việc hỗ trợ, ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Đến thời chiều 8/9, chưa có xã nào đề nghị cần hỗ trợ.
Áp thấp nhiệt đới sau bão dự báo tiếp tục gây mưa lớn. Sáng 8/9, UBND huyện đã họp triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện yêu cầu các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời hướng dẫn, thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, phát hiện, chủ động sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ” để ứng phó với mọi tình huống. Rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, hệ thống lưới điện, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người khi có mưa lớn. Kiểm tra, rà soát các trọng điểm đê xung yếu để triển khai các phương án hộ đê khi xảy ra sự cố và các hồ chứa đã xảy ra sự cố hoặc nguy cơ thấm lớn, sạt lở. Đặc biệt, không để người dân tắm sông, đánh bắt cá.
Bùi Minh