Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Thực hiện loạt nghị quyết chuyên đề ở huyện Lạc Sơn - Tạo đột phá từ thách thức: Bài 3 - “cú hích” để nông nghiệp, nông thôn chuyển động

Thứ tư, 14/5/2025 | 5:57:57 Sáng

Dồn điền, đổi thửa (DĐ, ĐT) và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có ý nghĩa quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn. Tại huyện Lạc Sơn, mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của tỉnh, của địa phương, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Tại thời điểm đầu năm 2023, trên địa bàn mới có 3 xã triển khai công tác DĐ, ĐT, 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 7/4/2023 về DĐ, ĐT và phát triển sản phẩm OCOP.


Huyện Lạc Sơn tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Nhân rộng những cánh đồng mẫu lớn

Trước khi ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU, chương trình DĐ, ĐT được triển khai ở phạm vi hẹp trên địa bàn 3 xã Yên Phú, Thượng Cốc, Định Cư. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể về DĐ, ĐT trong dài hạn (từ năm 2023 - 2027, có phân kỳ đến năm 2025) và từng năm. Cùng với đó, Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng nghị quyết; UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức làm điểm có hiệu quả ở một số phố, xóm để rút kinh nghiệm, tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tuyên truyền. 

Chính quyền huyện, các xã, thị trấn cũng bố trí nguồn ngân sách hàng năm và huy động các nguồn xã hội hóa, lồng ghép các nguồn vốn khác cho công tác DĐ, ĐT. Cấp huyện, xã, xóm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến các hộ dân về lợi ích DĐ, ĐT đem lại. Từ đó, chương trình nhận được được sự đồng tình ủng hộ của người dân, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để thực hiện chính sách DĐ, ĐT. 

Quá trình tiến hành DĐ, ĐT được huyện gắn với quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng vận động người dân dành đất cho kênh mương, đường nội đồng, công trình công cộng, đảm bảo mỗi thửa ruộng sau khi đã DĐ, ĐT phải được kết nối với kênh mương và đường giao thông nội đồng. Hỗ trợ người dân đo đạc địa chính, cấp sổ đỏ trước và sau khi DĐ, ĐT, công khai, minh bạch trong suốt quá trình DĐ, ĐT và trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai. Huyện cũng tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, tổ chức hội nghị, hội thảo để các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, người dân cùng chia sẻ kinh nghiệm và học tập cách làm hay. 

Đến cuối năm 2024, lũy kế diện tích DĐ, ĐT toàn huyện đạt trên 682,3 ha. Từ các xã làm điểm đã nhân ra diện rộng tại các xã Quyết Thắng, Mỹ Thành, Hương Nhượng, Vũ Bình… Mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2025, huyện DĐ, ĐT xong diện tích đất lúa, trồng màu ở những nơi có điều kiện thuận lợi; đến năm 2027 hoàn thành việc DĐ, ĐT nhằm tạo ra cánh đồng mẫu lớn thuận lợi cho cơ giới hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp, thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

Song song với mục tiêu DĐ, ĐT, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được huyện quan tâm thúc đẩy thông qua việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng sản phẩm OCOP, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia chương trình OCOP. Từ đó khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân và cộng đồng dân cư, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần cơ cấu, tái cơ cấu kinh tế nông thôn, cũng như phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển sản phẩm OCOP. 

Cùng với đó, huyện tích cực xây dựng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh kết nối sản phẩm OCOP với sàn thương mại điện tử, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng giao thương, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Trên địa bàn hiện có 2 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP do UBND huyện và Hội Nông dân hỗ trợ. Các hộ kinh doanh cá thể, HTX cũng ngày càng phát huy sự chủ động trong xúc tiến xây dựng sản phẩm OCOP, phát triển kênh bán hàng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.  Trong 2 năm 2023 - 2024, huyện tăng thêm 11 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa, nâng tổng sản phẩm OCOP lên 21 sản phẩm (1 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm 3 sao). Riêng năm 2024, huyện có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao gồm: Măng chua Quý Hòa của chủ thể HTX nông, lâm nghiệp Quý Hòa - xã Quý Hòa; bột nghệ gia vị Nhưng Vần của Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần Hoà Bình và chả ốc nhồi Mơ Đức của chủ thể HTX nông nghiệp hữu cơ Mơ Đức Hòa Bình - xã Nhân Nghĩa; trứng gà ăn liền Long Thoa của HTX dịch vụ nông nghiệp Vũ Lâm - xã Vũ Bình; muối hạt dổi Chí Đạo của HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo; vịt cổ xanh Tự Do của HTX nông, lâm nghiệp xanh Mường Khụ, xóm Cối Cáo, xã Tự Do. 

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: DĐ, ĐT và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại địa phương thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, tiến tới xây dựng nông thôn mới thành công. Từ việc quán triệt Nghị quyết chuyên đề số 12-NQ/HU về DD, ĐT và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, diện mạo nông nghiệp, nông thôn huyện có khởi sắc đáng kể, hiệu quả sản xuất được nâng lên, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như vùng trồng rau màu xã Yên Phú, vùng trồng lúa xã Thượng Cốc… Cùng với đó, cơ giới hóa trong sản xuất được tăng cường, tưới tiêu thuận lợi, chi phí trung gian giảm, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Chương trình tác động đến các thành phần, tầng lớp nhân dân, giúp phát huy nội lực và hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân trong xây dựng nông thôn mới. 
(Còn nữa)


Bùi Minh