Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lạc Sơn: Nhân rộng các hợp tác xã để nông dân ly nông không ly hương

Thứ năm, 29/8/2024 | 9:00:33 Sáng

Hơn 5 năm nay, chị Bùi Thị Thuyên ở xóm Thượng Bầu, xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn có công việc và thu nhập ổn định tại Hợp tác xã (HTX) Long Viên. Tại đây chị làm công việc may thú nhồi bông, thu nhập đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng, nếu làm việc tốt, tăng ca nhiều thì thu nhập tăng thêm. Chị Thuyên cho biết: Trước đây tôi cũng đi làm nhiều chỗ nhưng xa nhà. Chi phí sinh hoạt cao, thêm chi phí đi lại nên thu nhập không được nhiều. Từ ngày HTX Long Viên thành lập xưởng may, tuyển dụng lao động nên tôi quyết định về gần nhà làm.


Hợp tác xã Long Viên, xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn tạo việc làm và thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng cho người lao động địa phương.

Không chỉ chị Thuyên mà HTX có 62 thành viên đều là người tại địa phương và khu vực lân cận. Từ ngày HTX thành lập đã tạo việc làm tại chỗ cho các thành viên. Ngoài lương cơ bản, người lao động (NLĐ) được hưởng các chế độ bảo hiểm, phụ cấp xăng xe, nhà ở và các chế độ phúc lợi khác. Chị Bùi Thị Phương Thảo ở thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy cho biết: Từ ngày tham gia vào HTX công việc và thu nhập ổn định. Những người mới chưa biết việc được đào tạo nghề.

Ông Trần Văn Tuyển, Giám đốc HTX Long Viên cho biết: Với những đơn vị khác  thì thành viên HTX, NLĐ làm việc theo khoán sản phẩm. Nhưng đối với HTX Long Viên chúng tôi trả lương cơ bản. Ngoài ra, NLĐ có thêm thu nhập tăng ca, thưởng do làm tốt sản phẩm… Công việc của HTX phù hợp với NLĐ địa phương. 

Ngoài HTX Long Viên, trên địa bàn huyện Lạc Sơn có nhiều doanh nghiệp, HTX đứng chân tạo việc làm cho hàng nghìn NLĐ.

Gia đình chị Bùi Thị Dùng ở xóm Tre, xã Văn Nghĩa sống bằng nghề nông. Chồng chị sau những ngày bận rộn cấy lúa và thu hoạch thì đi làm ăn xa. Chị ở nhà chăm sóc ruộng đồng, đưa các con đi học. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi chị làm hàng thủ công mỹ nghệ cho HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Mường Pheo. Tùy theo đơn hàng, từ cái khay, kệ, giỏ hàng mây tre đan, mỗi ngày chị làm được 1 - 2 sản phẩm, Tiền công khoảng hơn 100 nghìn đồng. Công việc không gò bó thời gian, có ngày làm 10 - 12 tiếng, ngày bận rộn chỉ làm được 2 - 3 tiếng. Ngoài không phụ thuộc giờ giấc thì công việc tại HTX không phải đi xa, không phải làm việc ngoài trời…

Chị Bùi Thị Yến, Giám đốc HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Mường Pheo  cho biết: Nghề thủ công mỹ nghệ ở địa phương có từ lâu đời, lực lượng lao động dồi dào nên chúng tôi quyết định thành lập HTX. Sau khi HTX ra đời chúng tôi liên kết ký hợp đồng với nhiều đối tác làm hàng xuất khẩu. HTX đã tạo việc làm cho 130 thành viên và NLĐ ở xóm Tre và các xóm lân cận. Mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Có công việc gần nhà, thu nhập ổn định nên chị em ai cũng phấn khởi, nhiều người muốn tham gia làm hàng xuất khẩu. Thời gian tới, chúng tôi tìm kiếm thêm các đối tác, ký nhiều đơn hàng và tạo nhiều việc làm hơn cho chị em.

Đồng chí Phạm Thị Phương Loan, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Lạc Sơn cho biết: Tính đến hết tháng 6/2024, trên địa bàn huyện có 65 HTX, tổng số thành viên 814 người, tạo việc làm thường xuyên cho 977 lao động địa phương. Tổng số vốn đăng ký của các HTX là 166 tỷ đồng. Tổng doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ các HTX 6 tháng đầu năm ước đạt 11,5 tỷ đồng. Doanh thu bình quân 1 HTX khoảng 280 triệu đồng. Trong thời gian tới, huyện Lạc Sơn tiếp tục hỗ trợ về đào tạo nghề, vay vốn ngân hàng, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất quy mô lớn; xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kỹ năng quản lý, điều hành cho cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật cho lao động, thành viên. Đồng thời, nhân rộng các mô hình HTX làm ăn hiệu quả và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Có thể nói trong những năm qua, HTX có vai trò rất lớn trong việc giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Các HTX cũng đã phát huy hiệu quả hoạt động gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương; đồng thời thay đổi tư duy, cách làm, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác để mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống người dân.


Việt Lâm