Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lạc Sơn chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 28/11/2022 | 8:58:07 Sáng

(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Mựn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lạc Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 91% (dân tộc Mường chiếm 90%, còn lại là các dân tộc Dao, Thái, Tày, Nùng…). Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc luôn được huyện quan tâm, chăm lo. Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư; những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy. 



Nhiều làn điệu dân ca Mường được người dân huyện Lạc Sơn bảo tồn, biểu diễn tại các hội thi, hội diễn. 

Là 1 trong 4 Mường lớn của tỉnh, đến nay, huyện Lạc Sơn vẫn giữ được bản sắc văn hóa lâu đời của người Mường như: chiêng Mường, hát thường rang, bộ mẹng, các làn điệu dân ca Mường. Huyện còn lưu giữ được hơn 3.000 chiếc chiêng, 100% xóm có đội văn nghệ biết trình tấu chiêng Mường. Vào ngày lễ, Tết, ngày mùa, tiếng chiêng vang vọng từng thôn, xóm. Người già truyền dạy cho người trẻ, thế hệ sau học thế hệ trước, cứ thế tiếng chiêng ngân vang khắp núi rừng. Những nghệ nhân chuyên và không chuyên tích cực tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, từ hội làng cho tới lễ hội lớn của huyện, tỉnh, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa truyền thống trong cộng đồng, tạo nên bản sắc riêng đối với mảnh đất, con người Lạc Sơn.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm phục dựng lễ hội truyền thống như: lễ hội rước Bụt, lễ hội đình Cổi, các lễ hội xuống đồng đầu xuân mới; văn hóa dân gian: mo, rằng thường, bộ mẹng,  chiêng; trùng tu, tôn tạo, quản lý, bảo vệ các khu di tích: Chiến khu cách mạng Mường Khói, nơi thành lập Văn phòng Tỉnh ủy (xã Nhân Nghĩa), Tượng đài Tây Tiến (xã Thượng Cốc), mái đá làng Vành (xã Yên Phú), hang Trại (xã Tân Lập), hang Khụ Dúng (xã Nhân Nghĩa). Năm 2018, tổ chức thành công lễ đón bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Cây Si và lễ hội Đu Vôi, đền Thượng, thị trấn Vụ Bản; lễ công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Trường Khạ, thị trấn Vụ Bản và đền Mẫu, xã Vũ Bình. Phục dựng, tổ chức lễ hội đình Khênh, xã Văn Sơn; sưu tầm tư liệu, hiện vật, xây dựng nội dung kịch bản phục dựng lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa. Triển khai các bước quy hoạch phân khu du lịch và xây dựng một số hạng mục thiết yếu phục vụ du lịch tại thác Mu, xã Tự Do. Bản sắc độc đáo trong văn hóa các dân tộc là động lực cho ngành du lịch của huyện phát triển.  

Song song với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển, từng bước nâng cao chất lượng. Trong 5 năm qua, huyện duy trì trên 80% hộ gia đình, 81% xóm (phố), 91% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đến nay, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 45.000 người, có 10.500 người đạt chế độ thể thao theo tiêu chuẩn, 8.350 hộ gia đình thể thao, phát triển 70 câu lạc bộ thể thao. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện tốt. 

Bưu chính truyền phát, thư báo thông suốt hàng ngày đến Bưu điện - văn hóa xã. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, 2 chi nhánh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và internet là VNPT và Viettel; 100% xã được phủ sóng internet thuận tiện cho việc tra cứu và đọc tin tức, đặc biệt, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã được phủ sóng internet, 100% cơ quan, đơn vị, trường học sử dụng máy vi tính. Việc cấp phát một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện thường xuyên, một số báo, ấn phẩm, tạp chí, chuyên đề như: Báo Dân tộc và phát triển, Tạp chí Dân tộc, Báo Nhân Dân... Thông qua các ấn phẩm và báo chí góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu tiến bộ KH-KT để bà con vùng dân tộc áp dụng trong sản xuất.


Thu Thủy