Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Người Mường Vang giữ nét văn hóa Mường: Bài 1 - Những nét văn hoá vùng Mường nổi bật

Thứ hai, 27/3/2023 | 8:29:28 Sáng

(HBĐT) - Có bề dày lịch sử vùng đất hàng nghìn năm, dân số khoảng 14 vạn người, dân tộc Mường chiếm 91%, người Mường Vang có đời sống văn hoá rất phong phú, giàu bản sắc. Quá trình tiếp biến và giao thoa về kinh tế, văn hoá, nền công nghiệp cách mạng 4.0 đã tác động đến giá trị văn hoá của dân tộc Mường huyện Lạc Sơn. Một số loại hình di sản văn hoá, nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. Một bộ phận thanh niên hiện nay không biết tiếng Mường, nét văn hoá Mường và những tập quán của cha ông…






Người dân vùng Mường Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) lưu giữ nét văn hoá đẹp trong cuộc sống thường ngày qua trang phục dân tộc và ẩm thực truyền thống.

Theo các bậc cao niên ở vùng Mường Vang kể lại, tên gọi Lạc Sơn có từ năm 1887, thuộc đất động Lạc Thổ (1466), châu Lạc Yên (1836). Khoảng từ năm 1886, Lạc Sơn là một huyện của tỉnh Hoà Bình, từ năm 1975 - 1991 thuộc tỉnh Hà Sơn Bình và trở lại thuộc tỉnh Hoà Bình từ sau tái lập tỉnh năm 1991 đến nay. Nơi đây còn giữ được nhiều nét văn hoá đặc sắc, nổi bật.

Phong phú các di sản văn hoá vật thể

Một trong những di sản văn hoá (DSVH) vật thể tiêu biểu, đồng thời là di tích khảo cổ học cấp quốc gia được phát hiện, nghiên cứu tại tỉnh là di tích mái đá làng Vành. Nằm ở phía Tây của dãy núi Trắng thuộc xóm Vành, xã Yên Phú, mái đá làng Vành được nhắc đến nhiều lần trong sử thi "Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường Hoà Bình. Theo kết quả nghiên cứu khai quật và xác định các bon phóng xạ C14 ở di chỉ mái đá làng Vành được nữ khảo cổ học Madeleine Conali công bố năm 1930 cho thấy, di tích thuộc nền Văn hoá Hoà Bình và được xếp vào giai đoạn trung gian của Văn hoá Hoà Bình. Hiện di tích còn giữ nguyên một phần tầng văn hoá gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều những lớp trầm tích của kỷ đệ tứ.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, các di tích, danh lam thắng cảnh đã và đang được tu bổ, tôn tạo đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần cho Nhân dân, góp phần phát triển KT-XH, như: di tích đình Cổi - xã Vũ Bình, đình Khói - xã Ân Nghĩa, đình Khênh - xã Văn Sơn, di tích lịch sử cách mạng Tây Tiến - xã Thượng Cốc. Công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày hiện vật được quan tâm. Hiện nay, nhà truyền thống Chiến khu Mường Khói và tại các di tích trên địa bàn huyện còn lưu giữ nhiều hiện vật mang ý nghĩa, có giá trị về khoa học, lịch sử và văn hoá. Nhiều di tích khác đang tiếp tục được đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận.

Trên địa bàn huyện còn có một số di tích văn hoá - lịch sử tiêu biểu khác: hang Khụ Dúng - xã Nhân Nghĩa, đình Băng - xã Ngọc Lâu, đền Cây Đa - thị trấn Vụ Bản, hang xóm Trại - xã Tân Lập, di tích Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu tại xóm Bu Lọt, xã Tân Mỹ… Qua thống kê về văn hoá vật thể trên địa bàn có hệ thống 16 di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được các cấp công nhận, 188 di tích và danh lam thắng cảnh cấp huyện được tỉnh kiểm kê đưa vào danh sách khoanh vùng bảo vệ. Đặc biệt, nhà sàn Mường, chiêng Mường, phương thức trồng lúa nước trên địa bàn xã Miền Đồi, Quý Hoà… được người Mường Vang lưu giữ càng tăng thêm sự phong phú, độc đáo của các DSVH vật thể.

Đặc sắc giá trị văn hoá phi vật thể

Về Mường Vang dịp mùa xuân, du khách sẽ được sống trong không khí rộn ràng, tưng bừng của các lễ hội và trải nghiệm nét văn hoá truyền thống, tín ngưỡng của người dân bản địa. Hầu hết các lễ hội trong năm được tổ chức vào khoảng tháng giêng, như: lễ hội đình Khói - xã Ân Nghĩa; lễ hội đình Cổi - xã Vũ Bình; lễ hội đình Khênh - xã Văn Sơn; lễ hội Đu Vôi, lễ hội đền Trường Khạ, lễ hội đình Thượng - thị trấn Vụ Bản; lễ hội rước bụt Khụ Dúng - xã Nhân Nghĩa; lễ hội xuống đồng - xã Yên Phú… Đến nay, trên địa bàn duy trì 8 lễ hội dân gian truyền thống tạo nên sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, các loại hình DSVH phi vật thể khác, gồm: trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, nghi lễ thờ tổ tiên, mo Mường, chiêng Mường, các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, tục ăn cơm mới, tục ăn Tết Độc lập và Quốc khánh 2/9… được bảo tồn.

Đáng chú ý, Mường Vang được nhắc đến như mạch nguồn của các làn điệu dân ca, dân vũ. Hát dân ca Mường, trong đó có DSVH phi vật thể hát thường rang, bộ mẹng, hát đối giao duyên diễn ra phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là dịp đám cưới, hội hè. Trên địa bàn hiện có khoảng 300 nghệ nhân hát dân ca. Những nghệ nhân có giọng hát cuốn hút người nghe như: Quách Thị Lon, Bùi Thị Nhàn, Bùi Văn Tín, Bùi Văn Lịch… Quá trình ghi chép tài liệu, hình ảnh, video, phóng sự của nhóm sưu tầm thuộc Ban nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn DSVH phi vật thể nghệ thuật hát thường rang, bộ mẹng, hát đối dân tộc Mường của huyện, trưởng nhóm Bùi Văn Nỏm cùng nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng và các thành viên đã sưu tầm 30 cuộc, lưu giữ được gần 1.000 gigabyte hình ảnh, thu âm, video.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lạc Sơn, số lượng DSVH của các dân tộc trên địa bàn khá nhiều, phân bố dày đặc và mang những nét bản sắc đậm đà, riêng biệt. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của các địa phương còn khó khăn, chưa quan tâm đầu tư thoả đáng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc. Sự xâm nhập của nhiều yếu tố văn hoá mới khiến cho sức hút của các giá trị văn hoá truyền thống bị suy giảm.

Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn đã quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc. UBND huyện mở các lớp chiêng Mường, chữ Mường, mây tre đan; thành lập 24 đội thông tin tuyên truyền xã, thị trấn, 5 câu lạc bộ hát thường rang, bộ mẹng; 1 câu lạc bộ mo Mường; 3 câu lạc bộ thơ ca; 252 đội văn nghệ xóm, phố; phục dựng 10 lễ hội truyền thống; 16 di tích được công nhận; lưu giữ trên 12.000 ngôi nhà sàn Mường và hơn 3.000 chiêng Mường, góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc Mường.   

(Còn nữa)

Bùi Minh