Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Nghề mây tre đan tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động

Thứ hai, 26/8/2024 | 8:45:21 Sáng

Những năm qua, nghề mây tre đan được nhân dân các xã trên địa bàn huyện Lạc Sơn, nhất là ở vùng Cộng Hoà duy trì. Nghề thủ công truyền thống này có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế địa phương, tạo nhiều việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống hộ làm nông nghiệp.


Phụ nữ xóm Tre, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) phát triển nghề mây tre đan truyền thống, góp phần cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Xã Nhân Nghĩa có nghề mây tre đan từ lâu đời, trong đó xóm Bui đã được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2017. Theo bà Quách Thị Dung, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mây tre đan xóm Bui, từ khi có chính sách bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống, nghề mây tre đan ở xóm phát triển mạnh. Lực lượng trực tiếp làm nghề chủ yếu là phụ nữ. Các sản phẩm đều được làm thủ công. Hiện nay, HTX tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 50 thành viên. Tại xóm còn có cơ sở sản xuất của anh Bùi Văn Quỳnh thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 70 lao động.

"Già, trẻ đều có thể làm nghề, không bị gò bó thời gian, với những người chịu khó, tay nghề cao có thể đạt thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng”, chị Bùi Thị Diễm, hội viên chi hội phụ nữ xóm Mới, xã Thượng Cốc chia sẻ. Chị Diễm cũng là người đầu tiên đưa nghề thủ công về xóm, đứng ra làm đầu mối nhập, giao nguyên liệu đầu vào, tổ chức thu gom, tiêu thụ sản phẩm mây tre đan cho bà con. Sau 5 năm hoạt động, điểm thu gom tại gia đình chị Diễm đã thu hút trên 150 người dân cùng làm nghề.

Nhờ sức tiêu thụ ổn định, chủ yếu phục vụ xuất khẩu, tiềm năng thị trường các nước rộng mở, nghề mây tre đan ngày càng có nhiều lao động tham gia. Trước đây, chị Bùi Thị Phương, thành viên HTX nông nghiệp thương mại và dịch vụ Mường Pheo, xã Văn Nghĩa thuộc hộ nghèo, sức khoẻ không đảm bảo để làm những công việc nặng. Năm 2022, chị gia nhập HTX và được hướng dẫn học nghề, tạo điều kiện mang nguyên liệu về nhà làm. Từ khi có công việc phù hợp, tự tạo thu nhập, tinh thần của chị thoải mái, vơi bớt áp lực cuộc sống.

Chị Bùi Thị Yến, Giám đốc HTX nông nghiệp thương mại và dịch vụ Mường Pheo cho biết: Trong 150 thành viên HTX có một số chị em cùng hoàn cảnh như chị Phương. Được thu hút làm nghề, các chị có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/ người/tháng.

Theo thống kê, toàn huyện Lạc Sơn có khoảng 1.000 lao động nông thôn tham gia hoạt động nghề, làng nghề mây tre đan. Nhiều xã như: Nhân Nghĩa, Văn Sơn, Văn Nghĩa, Tân Lập, Vũ Bình, Yên Phú, Thượng Cốc… thành lập được hàng chục HTX, tổ sản xuất, các điểm đầu mối thu hút lao động, chủ yếu là phụ nữ làm nghề. Quá trình phát triển, trình độ tay nghề của lao động ngày càng được nâng cao, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu đơn đặt hàng phía đối tác. Cùng với đó, lao động được nhận tiền công tương xứng với khả năng, trình độ tay nghề.

Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, nghề mây tre đan phát huy vai trò trong giải quyết việc làm lúc nông nhàn, cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX, cơ sở sản xuất, trong đó có các HTX, cơ sở sản xuất mây tre đan truyền thống tiếp tục mở rộng và phát triển, đóng góp tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Đồng thời, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở địa phương.


Bùi Minh