Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Huyện Mai Châu: Giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 28/11/2022 | 9:46:40 Sáng

(HBĐT) - Mai Châu là huyện vùng cao với trên 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), gồm người Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Hoa. Quán triệt và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, những năm qua, huyện  đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống người dân.



Nhân dân bản Bước, xã Xăm Khòe (Mai Châu) tham gia làm đường giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. 

Sơn Thủy là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Đồng chí Bùi Văn Yêu, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo động lực để người dân vươn lên, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi, đưa các loại cây trồng có giá trị, hiệu quả cao vào sản xuất. Xác định ngô và khoai lang là 2 cây trồng chủ đạo, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tìm các loại giống chất lượng cao, tăng cường chuyển giao KHKT cho hộ dân. Anh Bùi Văn Phước, xóm Khan Hạ cho biết: Cây khoai lang dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao. Gia đình hiện trồng hơn 3.000 m2 khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi vụ thu được hơn 5 tấn củ. Nhờ đó, thu nhập của gia đình được nâng lên. Để phát triển bền vững, nhiều hộ trồng khoai lang liên kết thành lập tổ hợp tác nông nghiệp hướng tới sản xuất tập trung, quy mô lớn. 



Theo đồng chí Hà Tuấn Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho ĐBDTTS và địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện được triển khai tích cực cho thấy nhiều kết quả đáng ghi nhận, mở hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ ĐBDTTS. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân mỗi năm giảm từ 3 - 3,5%. Trên 60% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của địa phương. Từ các chính sách phù hợp đã góp phần chăm lo, nâng cao đời sống người dân nói chung và ĐBDTTS.
Cách đây hơn 2 năm, gia đình anh anh Hà Văn Hoàn, xã Tòng Đậu được vay vốn ưu đãi 45 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 2 con bò sinh sản. Cùng với đó, anh được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch cho đàn bò theo hướng an toàn sinh học; đến nay, 2 con bò sinh sản được 2 con bê.
Chị Hà Thị Chiếu, xóm Tòng, xã Tòng Đậu; anh Khà Văn Thìn, xóm Hịch, xã Mai Hịch, sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, với vốn kiến thức và được vay vốn ưu đãi đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi gà theo hướng gia trại, quy mô hơn 1.000 con/hộ. Nhờ đó, đời sống của các hộ có sự thay đổi, từ chỗ kinh tế trung bình đã từng bước vươn lên có kinh tế khá. Hay như gia đình chị Hà Thị Miên, xã Mai Hịch trước kia thuộc diện hộ nghèo. Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, chị Miên xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về nuôi. Vừa làm vừa mở rộng quy mô chuồng trại, đến nay, chị duy trì ổn định đàn vật nuôi trên 20 con lợn thịt, 200 con gà... Bình quân thu nhập của gia đình khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm.

Đánh giá về hiệu quả đạt được trong thực hiện các chính sách chăm lo cho ĐBDTTS, đồng chí Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiệu quả từ các chương trình, dự án hỗ trợ đang góp phần phát triển KT-XH các xã vùng khó khăn, đồng thời giúp ĐBDTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhiều hộ đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả. Kinh tế hộ trong ĐBDTTS ngày càng có chuyển biến tích cực. Hiệu quả lớn nhất là đã trực tiếp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, củng cố lòng tin của ĐBDTTS đối với Đảng, Nhà nước. Phát huy những kết quả đạt được, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình, dự án, chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vùng ĐBDTTS. Lồng ghép các chương trình hỗ trợ gắn với định hướng phát triển sản xuất để đẩy nhanh công tác giảm nghèo hiệu quả, bền vững.


Mạnh Hùng