Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Huyện Mai Châu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ nhật, 18/8/2024 | 1:34:11 Chiều

Chỉ sau một thời gian được bà và mẹ hướng dẫn, Hờ Y Dụ ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) đã tự tay thêu được những hoa văn khó, cầu kỳ trên tấm váy thổ cẩm đầu tiên do bản thân tự làm. Theo phong tục của đồng bào dân tộc Mông, không chỉ Hờ Y Dụ mà bất kỳ bé gái nào khi lên 10 tuổi đều phải tự tay làm cho mình một chiếc váy thổ cẩm thật đẹp để đánh dấu bước trưởng thành cũng như thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người con gái Mông...


Em Hờ Y Dụ ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) tự tay thêu những hoa văn khó, cầu kỳ trên váy thổ cẩm.

Theo già Sùng A Lứ, già làng ở xóm Thung Mài thì việc người con gái tự biết làm váy áo cho mình khi lên 10 tuổi là một truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được truyền lại từ nhiều đời nay. Cho đến giờ, mặc dù điều kiện kinh tế phát triển, người ta có thể mua các loại váy áo may sẵn nhưng đồng bào Mông vẫn gìn giữ và phát huy truyền thống này. Với người Mông, ít nhất người con gái cũng phải tự biết thêu cho mình một bộ trang phục dân tộc.

Không chỉ gìn giữ mà thời gian qua, đồng bào dân tộc Mông ở các xã Hang Kia, Pà Cò đã phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo động lực phát triển KT-XH địa phương. Điều này đã và đang được người dân 2 xã thực hiện và thành công đáng kể bằng mô hình du lịch cộng đồng. Ví như mô hình homestay của gia đình Sùng Y Múa ở xã Hang Kia. Làm du lịch từ năm 2012, ban đầu gia đình chị chỉ đón khách nghỉ dưỡng. Sau nhiều năm, nhận thấy khách đến Hang Kia không chỉ để nghỉ dưỡng mà còn muốn tìm hiểu văn hóa bản địa, chị Múa đã nung nấu ý định mở một không gian bảo tồn văn hóa dân tộc Mông để du khách được trải nghiệm những công việc, cuộc sống đời thường như thêu, vẽ sáp ong, làm nương, nhuộm vải, làm giấy dó...

Để thực hiện ý tưởng đó, đầu năm 2024, Sùng Y Múa đã triển khai xây dựng Nhà bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mông và hiện nay đang được hoàn thiện. Trên diện tích 2.000m2, nằm giữa vườn mận, vườn đào cùng hơn 200 hiện vật được trưng bày, Sùng Y Múa còn tái hiện lại các nghề truyền thống của dân tộc Mông như: khu khu lò rèn, nhà se lanh dệt vải, nhà làm giấy, nhà nấu rượu ngô... Ngoài bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống, nơi đây còn trưng bày những cổ vật rất quý của người Mông như những bộ khăn, váy cổ được dệt cầu kỳ, công phu; những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt tuổi đời hàng trăm năm... Đó là những hiện vật vô giá không chỉ về giá trị vật chất mà còn ở giá trị văn hóa, bảo tồn. Với sự bố trí phù hợp, nơi đây đã trở thành điểm thu hút du khách hàng đầu ở Hang Kia.

Không chỉ ở đồng bào dân tộc Mông, theo đồng chí Ngần Văn Tuấn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Mai Châu: Là huyện vùng cao có 7 dân tộc cùng sinh sống, giàu bản sắc văn hóa, những năm qua, Mai Châu đã khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đậm bản sắc thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển KT-XH địa phương. Do vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá trong nhân dân, huyện thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc. Đặc biệt là gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá với phát triển du lịch. Trong đó, Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 10/1/2020 về bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hàng năm, tổ chức các lễ hội. Nổi bật đã phục dựng lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái. Cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, nhất là giữ gìn trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, duy trì các khung cửi, giữ nếp nhà sàn truyền thống...

Với những biện pháp, cách làm trên giúp du khách có trải nghiệm về bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời biến văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Từ việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, ngày 19/2/2024, nghệ thuật múa Keng Loóng của dân tộc Thái vinh dự được trao bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Keng Loóng là một trong những sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, gắn với đời sống của cộng đồng người Thái huyện Mai Châu lâu đời. Trong sản xuất nông nghiệp đến các nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục của đồng bào đều sử dụng Keng Loóng. Keng Loóng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, đặc biệt trong các dịp lễ hội như: Lễ mừng cơm mới; lễ hội Xên bản, Xên mường; lễ Chá chiêng; Tết Nguyên đán... góp phần nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của người Thái. Tại các điểm du lịch cộng đồng như các bản: Lác, Pom Coọng, Văn, Bước... đều có đội văn nghệ phục vụ nhu cầu du khách, trong đó Keng Loóng là tiết mục thu hút sự quan tâm, yêu thích của du khách, nhất là khách nước ngoài.


Mạnh Hùng