Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Góp phần gìn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc Thái

Thứ bảy, 19/10/2024 | 11:00:05 Sáng

Thành lập từ năm 2013, đến nay, Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (xã Chiềng Châu, Mai Châu) đã có 21 thành viên và khoảng 80 lao động ngoài HTX tham gia làm việc theo các đơn đặt hàng. Trải qua nhiều thăng trầm, HTX từng bước đứng lên, khẳng định được vị thế trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ người dân tộc Thái trên địa bàn xã. Đặc biệt, thời gian qua, với tâm huyết và quyết tâm, những phụ nữ Thái làm việc tại HTX không ngừng sáng tạo, nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống, đưa sản phẩm đậm bản sắc dân tộc đến với du khách trong nước và quốc tế.


Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (Mai Châu) gìn giữ nghề dệt truyền thống, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo, đa dạng.

Là thành viên trẻ nhất của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu, chị Mạc Thị Thanh Mai, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu tự hào khi giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình và có kinh phí trang trải cuộc sống. Chị cho biết, từ nhỏ đã được mẹ truyền dạy kỹ thuật và cả tình yêu với nghề dệt thổ cẩm. Bởi vậy khi HTX được thành lập, chị đã chủ động tham gia làm thành viên. Trước đây, hầu hết sản phẩm thổ cẩm sản xuất để phục vụ nhu cầu của người dân trong huyện. Nay quê hương ngày càng thay đổi, du khách các nơi đến với Mai Châu nhiều hơn. Vì vậy, nhu cầu mua thổ cẩm để sử dụng, làm quà tặng cũng tăng lên và ngày càng đa dạng. Tại HTX, chị vừa có công việc yêu thích, phù hợp với sức khỏe, vừa giữ được nghề truyền thống của dân tộc và có thu nhập ổn định.

Để "giữ lửa” nghề, truyền cảm hứng cho các chị em trong việc bảo tồn và phát huy giá trị dân tộc từ nghề truyền thống, những năm qua, HTX tìm hiểu, nghiên cứu làm phong phú thêm sản phẩm thổ cẩm bằng việc cắt may. Sáng tạo sản phẩm dựa trên việc kế thừa và phát huy những tinh hoa trong hoa văn thổ cẩm truyền thống, HTX vẫn sử dụng chất liệu vải sợi bông tự nhiên để làm sản phẩm. Đồng thời tuân thủ phương pháp sản xuất thủ công từ kéo sợi, nhuộm màu đến dệt vải, đòi hỏi sự kỳ công. Máy móc chỉ hỗ trợ ở công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Trước kia, thổ cẩm chỉ đơn thuần là các sản phẩm như: chăn, khăn, gối, quần áo... thì giờ đây, sản phẩm của HTX đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, như trang phục cách tân nam nữ, túi xách, túi đựng laptop, khăn trải bàn, bọc sổ tay, móc khóa, sản phẩm trang trí nội thất...

Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giá thành sản phẩm cạnh tranh được với thị trường nhưng vẫn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái. HTX quan tâm đầu tư máy móc, kỹ thuật và lao động để phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, HTX có nhà xưởng rộng trên 300m2, có 14 máy khâu, khoảng 50 khung dệt. Tất cả sản phẩm đều được sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu dệt, may, thêu hoàn thiện sản phẩm.

Nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường, HTX cũng tích cực tham gia các hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ... Qua từng năm, sản phẩm của HTX dần có chỗ đứng, đầu ra ổn định. HTX đã có 2 sản phẩm thổ cẩm được công nhận OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt trên 3 tỷ đồng.

Bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX cho biết: Trải qua 15 năm xây dựng, HTX có nhiều thuận lợi trong hoạt động là nhờ được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể. Với mức thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên đã giúp các thành viên, người lao động tăng thêm thu nhập, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Để mở rộng quy mô sản xuất, HTX cần mở thêm nhà xưởng để sản xuất nhiều mặt hàng, tạo việc làm cho chị em trong xã và thu hút thêm thành viên tham gia. Tuy nhiên, HTX gặp khó khăn do không có đất thuê để xây dựng, vì vậy rất mong được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương giúp HTX thực hiện tốt mô hình phát triển kinh tế tập thể, phát triển ngành nghề truyền thống. 


Thu Hằng