Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Người giữ hồn cho điệu khắp quê hương

Thứ bảy, 4/2/2023 | 7:05:04 Chiều

(HBĐT) - Từ nhỏ đã được đắm mình trong tiếng khèn bè, du dương theo điệu hát khắp từ ông, bà. Đến khi lớn lên, những giai điệu mộc mạc ấy đã ngấm vào bà Hà Thị Bích ở xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn (Mai Châu) lúc nào không hay. Để giờ đây, bà trở thành một trong số ít người "say” khắp, hết lòng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.


Lớp học khắp Thái tại nhà văn hóa của bà Hà Thị Bích (thứ hai bên trái), xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Mai Châu, vùng đất có những nét văn hóa đặc sắc của người Thái, đặc biệt là những làn điệu dân ca. Tuổi thơ của bà Hà Thị Bích lớn lên cùng với tiếng khèn và làn điệu của những bài hát khắp như hát ru, hát giao duyên, hát trong đám cưới hỏi, đám ma... Các bài hát cứ tự nhiên thấm vào tâm hồn bà lúc nào không hay. Năm lên 10 tuổi bà đã biết lắng nghe, ghi nhớ từng lời và hát theo điệu khắp của bà, của mẹ. Bà say mê học hát và có giọng hát rất trong, khỏe, cao vút và đầy chất tự sự làm lay động lòng người. Ở tuổi 60, bà Bích vẫn luyến láy những điệu khắp trong trẻo, ngân vang. Với bà, được hát là niềm vui, hạnh phúc.

Để làm phong phú hơn những lời ca, tiếng hát và cũng để răn dạy con cháu, bà còn sáng tác nhiều làn điệu mới liên quan đến công việc của người dân nông thôn như dựng nhà mới, đi đón dâu, làm đường, xuống đồng, lên nương… với mong muốn những điệu khắp không bị mai một. Bà Bích chia sẻ: "Khắp Thái là làn điệu dân ca của dân tộc Thái đã có từ bao đời, truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác, là kho tàng quý báu. Tôi đã cố gắng tìm hiểu, học hỏi qua nhiều năm, với tôi, trái tim còn nhịp đập thì vẫn còn hát Thái, để truyền thụ lại cho thế hệ sau, cho con cháu”.

Hơn ai hết, bà Bích hiểu rằng hát khắp là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không được lưu giữ, rèn luyện sẽ bị mai một. Chính vì thế, bà dành phần lớn thời gian cho việc dạy hát khắp ở các lớp mở tại nhà và tại nhà văn hóa của xóm. Bất kể ai muốn học, từ em nhỏ hay cụ già đều được bà hướng dẫn nhiệt tình, dù chỉ 1 người bà cũng dạy. Bà hướng dẫn tỉ mỉ để người học thật thuộc phần lời mới dạy cách lấy hơi, cách thể hiện tình cảm từng câu hát, phân tích những cái hay, cái đẹp của điệu khắp quê hương để các cháu, các con có ý thức gìn giữ. Bà Hà Thị Cuốn, xóm Xăm Pà cho biết: "Đối với chúng tôi, chị Bích là một nghệ nhân hát khắp nổi tiếng của vùng, hiện chị mở lớp dạy hát khắp vào thứ Bảy hằng tuần tại nhà văn hóa xóm thu hút rất đông các bà, các cháu đến học, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Theo bà Bích, để điệu khắp đi vào lòng người còn có sự song hành của tiếng khèn bè thiết tha, ngọt ngào. Qua tiếng khèn và lời hát như người bạn tâm giao cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Chiếc khèn bè đã song hành với bà tham gia nhiều lễ hội và hội diễn nghệ thuật dân tộc. Mỗi lần tham gia hội diễn, hội thi là cơ hội để bà giới thiệu những bản sắc văn hóa dân tộc mình đến bạn bè trong và ngoài nước. Đó còn là dịp để bà sưu tầm thêm làn điệu mới, làm phong phú bộ sưu tập hát khắp của mình.

Hơn 40 năm say mê với làn điệu khắp bà Bích đã sưu tầm, đặt lời rất nhiều bài hát khắp như: "Em vẫn đợi anh” đoạt giải B Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất, tỉnh Lai Châu năm 2014, "Hát ru con” đoạt giải cá nhân xuất sắc tại Liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc toàn quốc lần thứ 3; cùng nhiều giấy khen đã có thành tích xuất sắc tham gia cuộc thi tiếng hát dân ca. Nội dung đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương, đất nước... Không chỉ để lại dấu ấn trong sưu tầm, sáng tác và biểu diễn, người ta còn tìm thấy ở bà Bích như một kho tàng sống về hát khắp nói riêng, văn hóa người Thái nói chung. Bởi bà nhớ rõ từng truyền thuyết, từng câu chuyện về hát khắp.

Đến với Mai Châu, du khách ra về với hình ảnh của những thiếu nữ Thái trong chiếc áo cóm mềm mại, váy nhung huyền căng tràn sức trẻ, thướt tha như bước ra từ trong câu truyện cổ. Những câu khắp, điệu xòe như đưa ta về thuở hồng hoang mới thấy hết giá trị của văn hóa dân tộc. Mong rằng, những đam mê của bà Hà Thị Bích sẽ được nhân lên và vùng Tây Bắc sẽ bừng sáng như hoa ban cùng những làn điệu khắp Thái say đắm lòng người.

Đinh Thảo
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)