Người dân xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn (Đà Bắc) dọn dẹp vệ sinh tuyến đường giao thông trên địa bàn.
Cao Sơn là một trong những địa bàn có diện tích cây lâm nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 lớn nhất trong toàn huyện với trên 221ha. Ngoài ra, theo thống kê, toàn xã có khoảng 30 hộ bị tốc mái, vỡ tấm lợp, sạt lở; nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại, gãy đổ; một số tuyến đường xóm bị sạt ta luy, khoét hàm ếch... Chị Hà Thị Khánh, Trưởng xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn cho biết: Nhiều diện tích bồ đề của người dân trong xóm bước sang năm thứ 3 bị gãy đổ do bão. Sau khi rà soát, dưới sự chỉ đạo của UBND xã, chính quyền xóm đã vận động người dân thu dọn những cây gãy đổ. Diện tích bị ảnh hưởng nhẹ liên hệ tiểu thương để thu mua, hạn chế phần nào thiệt hại về kinh tế. Đối với diện tích cây trồng khác như lúa, ngô, sắn... cũng được xóm rà soát thiệt hại để có phương án chăm sóc, khắc phục phù hợp.
Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Đà Bắc, ảnh hưởng của bão số 3 đã gây thiệt hại về nhà ở, cơ sở hạ tầng, hoa màu trên địa bàn huyện; làm 4 người chết, 1 người bị thương; tổng giá trị thiệt hại trên 12,5 tỷ đồng. Trong đó, về lâm nghiệp, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại trên 1.000ha (có 444ha thiệt hại nặng từ 50 - 70%, hơn 640ha thiệt hại một phần dưới 30%); trên 60ha lúa bị thiệt hại nặng từ 50 - 70%, trên 18ha thiệt hại một phần dưới 30%; trên 660ha hoa màu bị thiệt hại. Ngoài ra, về chăn nuôi có 19 con gia súc và 130 con gia cầm bị chết; 25 lồng cá bị thiệt hại, 14 ao cá bị tràn.
Ngay sau khi bão và mưa lũ qua, huyện đã huy động các lực lượng cùng phương tiện hỗ trợ sửa chữa nhà ở, thu dọn cây cối gãy đổ, bùn đất, vệ sinh môi trường các tuyến giao thông... Để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, chính quyền các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân và công trình hạ tầng KT-XH. Trên cơ sở thống kê, thực hiện hỗ trợ người dân để ổn định sản xuất và chuẩn bị các điều kiện cho vụ đông năm 2024.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo khẩn trương khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng, khắc phục các công trình thủy lợi... Phòng, ban chuyên môn hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục sản xuất phù hợp với thực tế; chủ động chuyển đổi diện tích đất bị ảnh hưởng sang trồng một số cây ngắn ngày; cải tạo đất sản xuất phục vụ cho canh tác lâu dài; đảm bảo cơ cấu giống. Trong đó, tập trung thu hoạch những diện tích cây trồng đã đến kỳ thu hoạch; vệ sinh, thu dọn tàn dư phụ phẩm nông nghiệp trên những diện tích cây trồng bị ngập sâu, không có khả năng phục hồi để làm thức ăn cho gia súc, giải phóng sớm diện tích đất sản xuất vụ đông. Những diện tích cây trồng bị ngập nhẹ, có khả năng phục hồi tiến hành chăm sóc, trồng dặm tại những khu vực có cây bị hỏng, kết hợp bón phân giúp cây phục hồi.
Thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tiêu diệt các mầm bệnh tại khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với ao, hồ có cá nuôi bị chết, các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện thu gom xử lý rác thải, thủy sản chết, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không làm phát sinh dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi bão và mưa lũ sau bão...
Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở và các phòng, ban, đơn vị chuyên môn của huyện tập trung với tinh thần cao nhất, sớm nhất để khắc phục hậu quả của bão số 3, trên cơ sở bám sát các nội dung chỉ đạo của tỉnh, của huyện với mục tiêu sớm ổn định tình hình và đưa các hoạt động trở lại bình thường. Cùng với hướng dẫn giúp nông dân khôi phục sản xuất sau thiên tai, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Đồng thời, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đảm bảo cho sản xuất vụ đông năm 2024.
Thu Hằng