Huyện Đà Bắc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động
Thứ bảy, 21/12/2024 | 9:18:32 Sáng
Cũng như nhiều địa phương, tình trạng thiếu việc làm hoặc có việc làm không ổn định trên địa bàn huyện Đà Bắc còn khá phổ biến. Trung bình mỗi năm, huyện cần đào tạo nghề cho khoảng 900 người, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động.
Đoàn viên, thanh niên huyện Đà Bắc tìm hiểu thông tin việc làm ngoài nước và chương trình du học Đài Loan, Nhật Bản… trong chương trình hội chợ việc làm cho người lao động.
Những năm qua, huyện Đà Bắc tích cực phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các công ty tuyển dụng lao động trong và ngoài nước tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động trên địa bàn. Trong năm 2024, huyện tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm tại các xã: Tân Minh, Vầy Nưa, Đoàn Kết. Sở LĐ-TB&XH tổ chức 3 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm tại các xã: Tân Minh, Đồng Chum, Giáp Đắt. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 2 hội nghị tại xã Tân Minh, Trung Thành; phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức 1 phiên chợ việc làm dành cho thanh niên và người lao động. Kết quả, trong năm huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.125 lao động. Trong đó lao động tham gia thị trường trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng 355 người; lao động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ 291 người; lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp 339 người; tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 90 lao động tại thị trường Đài Loan 40 người, Nhật Bản 50 người.
Chị Vũ Hải Yến, Giám đốc tuyển dụng Công ty cổ phần TRAENCO Quốc tế cho biết: Trong quá trình khai thác thị trường tại huyện Đà Bắc, chúng tôi thấy rằng, đối với người dân nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) khá lớn, tuy nhiên sự nhìn nhận và hiểu biết về chương trình còn hạn chế. Chính vì thế công ty và các cán bộ hoạt động XKLĐ tại địa phương thông qua các phiên giao dịch việc làm đã đưa được thông tin cụ thể, chi tiết đến người dân. Thời gian vừa rồi công ty chúng tôi đã có những chương trình, chính sách hỗ trợ, đồng hành với người dân Đà Bắc vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, cũng như cung cấp đầy đủ giấy tờ để bà con sau khi đi XKLĐ về thì nhận được số tiền hỗ trợ không hoàn lại của nhà nước giành cho người dân.
Thông qua các phiên giao dịch việc làm, các công ty tuyển dụng lao động trong nước và đưa lao động đi XKLĐ theo hợp đồng đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về tuyển dụng lao động với đầy đủ chế độ, quyền lợi đã được tuyên truyền, giúp người lao động cập nhật về việc làm phù hợp với nhu cầu, năng lực, điều kiện của bản thân. Qua đó người lao động nghiên cứu lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, có đơn hàng phù hợp để tham gia thị trường, tránh tình trạng người dân phải tự tìm kiếm việc làm hoặc không tìm được việc làm. Bên cạnh đó, XKLĐ được huyện xác định là kênh giải quyết việc làm quan trọng, từ đó thúc đẩy thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện.
Không chỉ tạo điều kiện về chính sách, hỗ trợ nguồn cho người lao động tham gia thị trường lao động quốc tế, cấp uỷ, chính quyền huyện Đà Bắc sát sao chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu cho huyện về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề gắn với tăng cường thông tin, tuyên truyền về lợi ích của XKLĐ; kịp thời triển khai các chính sách của Nhà nước tới người lao động. Với hiệu quả kinh tế mang lại, nhận thức của người lao động ngày càng được nâng lên, cùng với cơ hội việc làm ở nước ngoài rộng mở, người dân trên địa bàn huyện đi XKLĐ số lượng năm sau cao hơn năm trước.
Đồng chí Bùi Thanh Hải, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đà Bắc cho biết: Để tăng cường hiệu quả công tác XKLĐ trên địa bàn huyện, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức như cập nhật thông tin các ngành nghề, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong nước và ngoài nước. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn năng lực quản lý về kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động đi làm việc trong nước và ở nước ngoài cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên cấp cơ sở. Đặc biệt được sự quan tâm của Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ, tạo điều kiện cho huyện Đà Bắc về chương trình cho người lao động đi làm thời vụ tại Hàn Quốc, phòng đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh triển khai thí điểm tại 4 xã: Đồng Chum, Mường Chiềng, Tân Minh và xã Trung Thành. Qua đánh giá chương trình lao động thời vụ phù hợp với huyện Đà Bắc. Tới đây, chúng tôi sẽ quyết liệt tuyên truyền để người lao động tham gia chương trình, từ đó tạo thêm thu nhập, xoá đói, giảm nghèo.
Minh Duy
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc)