Huyện ủy, UBND huyện Kim Bôi

Huyện Kim Bôi: Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 16/7/2021 | 11:12:41 Sáng

(HBĐT) - Những năm qua, huyện Kim Bôi tích cực phối hợp, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống của đồng bào các DTTS được cải thiện rõ nét.

 


Từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân xã Tú Sơn (Kim Bôi) chuyển đổi trồng cây ăn quả có múi để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn từ các dự án ODA, Chương trình 135... Trong đó, Chương trình 135 được thực hiện trên địa bàn 16 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 15 thôn ĐBKK của các xã khu vực II. Với tổng kinh phí thực hiện trên 110.320 triệu đồng, đã có 261 công trình cơ sở hạ tầng (CSHT) thiết yếu (đường giao thông, trường học, thủy lợi...) được đầu tư xây dựng. Việc huy động các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng CSHT nông nghiệp đã hỗ trợ các xã xây dựng, sửa chữa nhiều công trình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ tổng kinh phí trên 149 tỷ đồng, gần 100 km kênh mương, trên 52 km đường giao thông nội đồng được xây mới; sửa chữa, nâng cấp nhiều hồ, đập, trạm bơm. Các công trình thi công đảm bảo chất lượng, sau khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, khai thác phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.

Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, huyện đặc biệt quan tâm đến việc tạo sinh kế cho đồng bào vùng DTTS. Trong 5 năm, huyện đã tổ chức trên 1.800 lớp đào tạo nghề, tập huấn KHKT cho trên 89.300 lượt người. Năm 2020, huyện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cho người dân 15 xã với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, trong đó, vốn người dân đóng góp trên 562 triệu đồng; đến nay đã giải ngân trên 4 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Phòng Dân tộc huyện thực hiện 1 mô hình nuôi gà hữu cơ thả vườn cho các xã ĐBKK, 1 mô hình phối giống nhân tạo đàn bò cho 10 xã ĐBKK, tổng kinh phí thực hiện trên 570 triệu đồng. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi bò lai sinh sản được triển khai tại 3 xã (Cuối Hạ, Mỵ Hoà, Đú Sáng), tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng, đã giải ngân 100% kế hoạch vốn giao.

Ngoài ra, các chính sách hỗ   trợ đối với người nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời, công khai, minh bạch. Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS được quan tâm, hỗ trợ. Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho vùng đồng bào DTTS được chú trọng…

Đồng chí Bùi Quang Hợp, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của đồng bào các DTTS, diện mạo nông thôn huyện ngày càng đổi khác, đời sống đồng bào DTTS từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 35,04%, đến nay giảm còn 9,85%. Căn cứ Quyết định số 2115/QĐ-TTg, ngày 7/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả rà soát đánh giá huyện nghèo của huyện đạt 51 điểm/3 nhóm điểm. Điều này đồng nghĩa huyện đã  thoát khỏi tình trạng ĐBKK (thời điểm rà soát tháng 9/2017), đạt kế hoạch đề ra.

Đến nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn huyện ước đạt 3,59%, GRDP bình quân ước đạt 33 triệu đồng/người. Chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao, toàn huyện có 42 trường chuẩn quốc gia; 100% học sinh là con hộ nghèo người DTTS trên địa bàn các xã, thôn, bản ĐBKK được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 98%; tỷ lệ hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 95%; 100% xã có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm xã.


Thu Hằng