Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình góp ý vào một số dự án luật
Chủ nhật, 18/5/2025 | 7:22:13 Sáng
Chiều 17/5, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu Hoàng Đức Chính, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.
Góp ý vào dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Chính, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đồng tình với đa số ý kiến được nêu trong báo cáo thẩm tra như tại Điều 10 về dự phòng ngân sách; Điều 19 về thẩm quyền của Quốc hội; Điều 51 về việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước.
Cụ thể, về nguyên tắc phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi được quy định tại Điều 9 của dự thảo, cũng như được quy định tại Điều 11 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương. Theo đại biểu Hoàng Đức Chính, hiện nay không còn cấp huyện, cấp xã thì sáp nhập nên nhiều nội dung liên quan trên địa bàn 2 xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh. Trong Luật Ngân sách nhà nước nêu, những nội dung liên quan đến chính quyền cấp trên có thể ủy quyền cho chính quyền cấp dưới để tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ và phân bổ, giao dự toán để cho chính quyền cấp dưới tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung này thực tiễn tới đây sẽ phát sinh, do vậy, trong khoản 6, Điều 9 của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết cụ thể để trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sẽ bảo đảm việc quản lý, điều hành ngân sách địa phương được thông suốt.
Liên quan đến các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được quy định tại khoản 2, Điều 35 theo hai phương án, đại biểu Hoàng Đức Chính lựa chọn phương án 2. Theo đại biểu, hầu hết các địa phương chịu điều tiết ngân sách Trung ương hỗ trợ đều có kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc không phân chia tỷ lệ nguồn thu không chỉ để cho các địa phương chủ động có nguồn kinh phí phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn khuyến khích cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã tạo quỹ đất sạch để đấu giá, đấu thầu tăng thu ngân sách.
"Thực tế hiện nay đang phân cấp cho địa phương hưởng 100%, nhưng tùy theo điều kiện của tỉnh thì có tỉnh điều tiết về tỉnh một phần, cấp huyện và xã chỉ được khoảng 70 - 80%. Do vậy, đề nghị trong giai đoạn hiện nay chỉ nên điều tiết đối với những địa phương có số thu ngân sách tự cân đối được. Bởi những địa phương này có nguồn thu về đất cũng thuận lợi hơn những địa phương khó khăn khác”, đại biểu Hoàng Đức Chính nêu quan điểm.
Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình