Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong: Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo động lực thoát nghèo

Thứ hai, 22/8/2022 | 9:48:46 Sáng

(HBĐT) - Bên cạnh các giải pháp về lao động, việc làm; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thực hiện chính sách bảo trợ xã hội…, huyện Cao Phong đã tích cực triển khai Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tính đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 5,33%, giảm 3,17% so với năm trước, đạt 150,25% kế hoạch của tỉnh.


Hộ cận nghèo xã Thung Nai (Cao Phong) được dự án hỗ trợ bò sinh sản để cải thiện sinh kế bền vững.

Còn khoảng 1 năm nữa, dự án "Hỗ trợ hộ gia đình nghèo, cận nghèo nuôi bò sinh sản tại xã Thung Nai” sẽ kết thúc. Mô hình đã cho thấy những kết quả bước đầu. Đồng chí Bùi Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai chia sẻ: Trên địa bàn có 26 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi, tổng nguồn kinh phí thực hiện dự án gần 400 triệu đồng. Trong đó, kinh phí từ Chương trình MTQG giảm nghèo bèn vững 353 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của hộ tham gia dự án. Với số bò sinh sản được hỗ trợ 13 con (2 hộ nuôi chung 1 con), dự án đã tạo việc làm, giúp bà con phát triển sản xuất và được đánh giá phù hợp với điều kiện, nhu cầu của hộ gia đình.

Đến thời điểm này, 2 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai thực hiện tại xã Thạch Yên cũng gần đến thời điểm kết thúc. Đồng chí Trần Văn Ý, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: 2 dự án được triển khai tại xã Thạch Yên đều tập trung đầu tư hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển chăn nuôi bò sinh sản, gồm 1 dự án có 32 hộ tham gia, kinh phí thực hiện 431 triệu đồng; 1 dự án có 34 hộ tham gia, kinh phí thực hiện 441 triệu đồng. Nhờ có sự tác động của dự án tạo nguồn sinh kế và thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo.

Năm 2021, các dự án triển khai đã góp phần vào giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Thung Nai còn 22,06%, xã Thạch Yên còn 27,85%. Các dự án nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nỗ lực của Nhân dân. Hộ nghèo, cận nghèo đồng tình, ủng hộ cao trong việc chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong việc góp vốn đối ứng và công sức trong triển khai thực hiện dự án. Qua kiểm tra, giám sát, việc đầu tư, sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, đem lại hiệu quả cao cho người dân vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, công tác xây dựng kế hoạch và bình chọn hộ hưởng lợi đảm bảo các tiêu chí và công khai, dân chủ.

Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Mục tiêu của huyện trong những năm tiếp theo là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm. Để mô hình phát huy hiệu quả và nhân rộng trong thời gian tiếp theo, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân trong việc thực hiện các dự án, từ đó ý thức được trách nhiệm, tự vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân thực hiện các dự án theo hướng bền vững. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị liên quan huy động nguồn xã hội hóa, vốn vay phát triển sản xuất hỗ trợ cho dự án nhằm tăng nguồn lực thực hiện. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để có biện pháp hỗ trợ kịp thời hộ gia đình.


Bùi Minh