Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Rào cản trong xóa đói, giảm nghèo ở xã Thạch Yên

Thứ hai, 30/10/2023 | 6:40:03 Sáng

(HBĐT) - Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã Thạch Yên (Cao Phong) đã có bước tiến quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đến nay xã còn trên 16% hộ nghèo, gần 23% hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 26 triệu đồng/năm.

Hộ dân ở xóm Mới, xã Thạch Yên (Cao Phong) đầu tư chăn nuôi gia súc, góp phần cải thiện sinh kế.

Đồng chí Bùi Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Quá trình phát triển KT-XH ở địa phương gặp nhiều khó khăn do xã cách xa trung tâm huyện, dân cư sinh sống rải rác, giao thông cách trở. Xã có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình chủ yếu là đồi núi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phương thức sản xuất lạc hậu, thiếu sự liên kết trong sản xuất… nên thiếu nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đặc thù xã không liên thông với các xã, huyện khác, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong những năm qua, thu nhập ngành nông nghiệp của xã bị ảnh hưởng nhiều từ thời tiết, thị trường tiêu thụ. Những năm gần đây, nhiều hộ chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô, vườn tạp sang trồng cam, mía. Tuy nhiên, cây cam nhiều sâu bệnh, giá cả thị trường không ổn định. Cây mía năm được giá người dân trồng ít. Thấy được giá bà con trồng nhiều thì lại rẻ.

Mặt khác, nguồn đầu vào cho nông nghiệp như phân bón, công lao động… cao nên người dân không mặn mà với trồng trọt. Với chăn nuôi thì giá thức ăn, chăm sóc, chi phí đầu tư cao, trong khi giá thành sản phẩm rẻ. Cùng với đó, nhiều sản phẩm chưa hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ nên việc tiêu thụ bị ép giá.

Trước những khó khăn, xã đã triển khai nhiều giải pháp như: Phối hợp các phòng, ban chức năng của huyện mở lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, vận động người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh tiếp tục phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Bên cạnh đó, một số chương trình, dự án đánh thức tiềm năng, thế mạnh địa phương đã triển khai giúp các hộ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Với những nỗ lực đó, đến nay, xã Thạch Yên đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 4 tiêu chí chưa hoàn thành là: hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người, cơ sở vật chất văn hóa và xóa nhà tạm. Đây là những tiêu chí khó, đòi hỏi nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và hỗ trợ của Nhà nước. Toàn xã hiện mới có 3/12 xóm có nhà văn hóa, 9 xóm còn lại phải trông chờ vào các cấp chính quyền hỗ trợ, việc huy động người dân đóng góp xây dựng 9 nhà văn hóa là rất khó khăn. Đối với nhà tạm còn 54 hộ cũng cần sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện…

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, để xóa bỏ những rào cản trong xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH, xã chú trọng quy hoạch hợp lý các loại cây trồng, vật nuôi; tập trung phát triển cây, con chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương; khuyến khích phát triển kinh tế hàng hóa và các loại hình dịch vụ. Phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị kinh tế để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống của người dân. Đẩy mạnh giải ngân thực hiện các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của người dân.



Việt Lâm