Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 3 - Thách thức sau giai đoạn phát triển “nóng”
Thứ tư, 27/11/2024 | 9:20:27 Sáng
Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Giai đoạn 2014 - 2017, cam Cao Phong là thương hiệu mạnh trên thị trường nông sản, nhiều hộ trồng cam đã trở thành tỷ phú. Do đó người người, nhà nhà đổ xô đi mua đất hoặc phá bỏ cây trồng khác để trồng cam. Hết chỗ bằng phẳng, cam được trồng trên sườn đồi, dốc núi, bờ ao... Vì thế diện tích cam tăng chóng mặt. Đến năm 2018, diện tích cam của huyện Cao Phong tăng lên trên 3.000 ha, gấp đôi năm 2014. Theo quy luật, phát triển "nóng” ắt nảy sinh những hệ lụy nhãn tiền!
Hộ trồng cam tại xóm Hải Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong) sử dụng phân bón hữu cơ để phục hồi vườn cam giảm năng suất do lạm dụng phân bón hóa học.
Vỡ quy hoạch, sâu bệnh, hàng trăm vườn cam chuyển vị …" đắng”
"Với sự kết hợp giữa khí hậu, thổ nhưỡng, giống và kỹ thuật canh tác, quả cam Cao Phong có hương vị thơm ngọt đặc biệt. Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Cho đến nay, cam Cao Phong vẫn vững vàng thương hiệu và vẫn luôn được nhiều người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh tin dùng, chọn mua. Nói vậy để lý giải vị "đắng” ở đây không phải là vị đắng của quả cam, mà là sự đắng lòng của một số ít người trồng cam theo kiểu "ăn sổi”, khiến vỡ quy hoạch, nguồn cung lớn dẫn đến thiếu đầu ra cho sản phẩm. Thêm nữa, nhiều hộ đầu tư trồng rồi bỏ đấy. Thiếu kỹ thuật trồng và chăm sóc nên vườn cam bị sâu bệnh hại cho sản lượng thấp, chất lượng quả không đảm bảo, không thể bán, hoặc bán với số lượng ít, giá rẻ chạm gốc. Nhiều chủ vườn trăn trở tiền bán cam không đủ để trả công cho người thu hái, nên nói nhiều vườn cam chuyển vị đắng là vì thế…”. Đó là trao đổi của đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong khi chúng tôi tìm hiểu về giá trị cây cam, quả cam Cao Phong sau thời kỳ phát triển "nóng”.
Còn nguyên do vỡ quy hoạch, đồng chí Bùi Văn Dán chia sẻ: Những năm 2015 - 2017, cam Cao Phong được mùa, được giá, được nâng tầm giá trị đến mức mỗi mùa cam được ví như "mùa vàng”. Trong khi các loại cam khác ở các tỉnh bạn thuộc Bắc, Trung Bộ và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long bán với giá vài nghìn đồng, cao là 30.000 đồng/kg thì cam Cao Phong luôn dao động quanh ngưỡng 45.000 - 55.000 đồng/kg tại vườn. Khi đã qua tay tiểu thương, hoặc lên kệ ở các cửa hàng, siêu thị thì giá còn cao hơn, dao động mức 55.000 - 65.000 đồng/kg cam tùy từng thời điểm và từng loại cam. Được giá như vậy nên mỗi ha cam sau khi trừ chi phí, người trồng thu lãi khoảng 700 - 800 triệu đồng. Lợi nhuận cao khiến người người, nhà nhà trồng cam. Và hệ quả đã được báo trước, không ít hộ trồng cam rơi vào cơn bĩ cực, ngậm ngùi phá bỏ vườn cam.
Diện tích cam giảm mạnh
Thực tế trong hơn 1 thập kỷ qua, huyện Cao Phong đã và luôn được mặc định là "thủ phủ cam”. Cam không chỉ được trồng nhiều ở vùng lõi là thị trấn Cao Phong, các xã: Thu Phong, Hợp Phong, Bắc Phong, Tây Phong, mà cả xã vùng cao Thạch Yên hay 2 xã vùng ven sông Đà ít đất như Bình Thanh, Thung Nai cũng ngợp sắc cam. Để gối vụ, người trồng cam sử dụng nhiều loại giống: CS1 (cam lòng vàng), Xã Đoài, cam Sông Con, cam Sành, cam Marrs, cam Đường Canh, quýt Ôn Châu, quýt Cao Phong... Vì thế mùa thu hoạch kéo dài từ cuối tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 năm sau. Đến với Cao Phong vào thời điểm thu, đông quãng 5 năm về trước, du khách thực sự choáng ngợp trước bạt ngàn vườn cam. Nhưng từ khoảng năm 2020 trở lại đây, đi trên đường chỉ thấy lác đác vườn cam, còn lại là vườn chuối, mía, cũng có khi là vườn… cỏ. Bởi trong 4 năm trở lại đây, số vườn cam Cao Phong đã sụt giảm mạnh.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến tháng 9/2024, toàn huyện Cao Phong chỉ còn trên 700ha cam, quýt, giảm hơn 2.200ha so với thời điểm năm 2018. Nguyên nhân dẫn đến diện tích cam giảm mạnh được lý giải: Trong giai đoạn tăng nhanh diện tích cam (2012 - 2017), một số vườn cam không đáp ứng được các yêu cầu về nguồn giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh... dẫn đến vườn cây không đem lại hiệu quả kinh tế. Hơn thế, giai đoạn 2018 - 2022 cũng là thời điểm hết chu kỳ khai thác của nhiều diện tích cam trồng thời điểm 2008 - 2013 (tùy theo giống và một số vườn chăm sóc không tốt 5 năm đã tàn). Mặt khác, một số hộ dân của huyện trồng cam từ những năm 60 của thế kỷ trước, đến nay đã qua 4 - 5 chu kỳ trồng tái canh, đến lúc cần phải cho đất nghỉ. Được hướng dẫn chặt chẽ về khoa học kỹ thuật, nhiều hộ trồng cam đã hủy vườn cam để cải tạo đất.
Cho dù xác định được rõ những nguyên nhân nhưng việc diện tích cam giảm mạnh là điều đáng lo. Lo rằng trong nay mai cam Cao Phong sẽ không còn đảm bảo được nguồn cung cả về sản lượng và chất lượng, mẫu mã sản phẩm để cung ứng ra thị trường rộng lớn, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu ra nước ngoài. Để "hóa giải” nỗi lo đó, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh triển khai những chủ trương, chính sách cụ thể để "thủ phủ” cam Cao Phong luôn giữ đà phát triển bền vững.
(Còn nữa)