Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Bình Thanh do anh Đinh Văn Linh,chi đoàn xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) làm chủ đem lại hiệu quả cao,tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Xác định đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện đã triển khai đồng bộ phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, tạo sức lan toả sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Qua phong trào xuất hiện nhiều nhiều mô hình lập nghiệp mới, hiệu quả, khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trên mặt trận phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Năm 2024, toàn huyện có 2 hợp tác xã do ĐVTN làm chủ là: Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Bình Thanh do anh Đinh Văn Linh, chi đoàn xóm Lòn, xã Bình Thanh làm giám đốc với 15 thành viên và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Phong do anh Bùi Văn Cương, chi đoàn xóm Chằng Ngoài, xã Hợp Phong làm giám đốc, với 8 thành viên đã đi vào hoạt động hiệu quả.
Để phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp thực sự lan tỏa, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho ĐVTN, các cấp bộ Đoàn trong huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp; đồng hành, tư vấn ĐVTN việc học tập, xây dựng các mô hình kinh tế mới, phù hợp với khả năng kinh tế và điều kiện thực tế của địa phương, gia đình. Nâng cao chất lượng các ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, thanh niên hoàn lương, bộ đội xuất ngũ, thanh niên xuất khẩu lao động. Tích cực, chủ động đề xuất với các cấp, ngành hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.
Phát triển KTTT trong thanh niên đã và đang được khuyến khích, tạo điều kiện để ĐVTN phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong ĐVTN địa phương. Cùng đó, việc duy trì mô hình phát triển KTTT trong thanh niên góp phần giúp các tổ chức Đoàn cơ sở thu hút, tập hợp ĐVTN tham gia sinh hoạt. Đây còn là nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng làm ăn hiệu quả, giúp đỡ ĐVTN giảm bớt khó khăn về nguồn vốn sản xuất, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.
Đồng chí Bùi Văn Tường, Bí thư Huyện Đoàn Cao Phong cho biết: Việc xây dựng các mô hình KTTT trong thanh niên là giải pháp hiệu quả, có thể giải quyết đồng thời nhiều vấn đề, không chỉ trong phát triển kinh tế cho thanh niên mà còn trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, nhất là khu vực nông thôn hiện nay. Thông qua mô hình, ĐVTN có thể tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, phát huy tính đoàn kết, tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ các ngành chức năng. Quan trọng hơn là khi có việc làm tại địa phương, tình trạng thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa sẽ giảm, từ đó công tác tập hợp, thu hút thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn thuận lợi hơn.
"Trong thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục chỉ đạo Đoàn cơ sở tích cực nắm bắt tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong phát triển kinh tế để có định hướng, tư vấn cũng như phối hợp các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, kinh nghiệm...; tổ chức các chương trình tham quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài huyện nhằm hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình phù hợp, hiệu quả", đồng chí Bí thư Huyện Đoàn chia sẻ.
Hoàng Dương