Huyện ủy, UBND huyện Tân Lạc

Huyện Tân Lạc: Giữ mạch vùng xanh, chủ động kết nối, tiêu thụ nông sản

Thứ sáu, 22/10/2021 | 10:09:56 Sáng

(HBĐT) - Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, huyện Tân Lạc đã chủ động các phương án để giữ vững, mở rộng vùng xanh, từng bước khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa, hoạt động giao thương, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm…


Với nguồn nguyên liệu thu mua từ các nông hộ, HTX sản xuất nông sản trên địa bàn, lực lượng thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tham gia hỗ trợ 1.500 suất cơm cho công dân và lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung của huyện.

Trong đợt bùng dịch trước, sau khi địa bàn huyện phát hiện 2 ca dương tính với Covid-19, nhiều hoạt động sản xuất (SX-KD) bị ngưng trệ, gián đoạn, đặc biệt là việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản (TTNS). Đồng chí Bùi Minh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Với tinh thần đoàn kết, góp phần chung tay tháo gỡ khó khăn trong TTNS địa phương, Hội LHPN huyện đã kêu gọi cán bộ, hội viên, Nhân dân tham gia tiêu thụ, ủng hộ HTX rau an toàn Quyết Chiến gặp khó khăn khâu TTNS lúc dịch Covid-19 phức tạp. Chỉ trong ngày đầu phát động, cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân đã tiêu thụ hơn 2 tấn nông sản, góp phần ủng hộ, chia sẻ khó khăn với bà con vùng sản xuất rau, củ an toàn.

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi liên kết - TTNS, khiến nhiều HTX và người nông dân gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trước tình hình đó, Phòng NN& PTNT huyện chủ động triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân có nông sản tiêu thụ nhanh nhất. Trong đó, đăng ký luồng xanh cho các xe tải vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, mặt hàng nông sản, thủy sản đăng ký cấp mã số nhận diện theo hướng dẫn của Sở GTVT. Phát huy mạnh mẽ mạng xã hội zalo, facebook để làm việc nhóm, họp trực tuyến… kết nối, liên kết và quảng bá, giới thiệu nông sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Phòng phối hợp UBND các xã, thị trấn bố trí điểm tập kết hàng nông sản trên luồng xanh. UBND các xã, thị trấn cử cán bộ đầu mối hướng dẫn các tổ lao động, tổ vận chuyển hàng nông sản, thủy sản, hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển ra điểm tập kết theo quy định, đảm bảo quản lý được người vào thu mua, thu hoạch, vận chuyển an toàn phòng, chống dịch Covid-19. 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tư thương, cơ sở thu mua, thu hoạch, vận chuyển, UBND các xã, thị trấn xác nhận đầy đủ, kịp thời cho những trường hợp đủ điều kiện di chuyển qua lại giữa các vùng liên xã trong nội bộ huyện và di chuyển liên huyện. Đến nay, toàn huyện có 7 nhà xe vận chuyển nông sản đủ điều kiện được lưu thông qua các vùng. Đặc biệt, huyện chọn các đầu mối để làm đại diện liên kết từng loại nông sản với các HTX, đầu mối TTNS. Phòng NN&PTNT cũng phối hợp các sở, ngành liên kết với doanh nghiệp, tư thương trong và ngoài huyện để kết nối TTNS cho người dân.

Kết quả, tổng sản lượng nông sản thu hoạch và tiêu thụ toàn huyện đến nay gần gần 1.000 tấn, bao gồm cây ăn quả có múi, thịt gia súc, gia cầm, rau các loại… Mặc dù giá cả các mặt hàng nông sản giảm mạnh so với thời điểm trước dịch, nhưng đây được xem là nỗ lực rất lớn của huyện, nhằm giúp nông dân giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đồng chí Vũ Mạnh Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện, diện tích các loại nông sản dự kiến thu hoạch từ nay đến cuối năm ước sản lượng trên 1.600 tấn. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục triển khai các biện pháp đã, đang thực hiện, đề xuất với các sở, ngành trong tỉnh giúp địa phương quảng bá, giới thiệu nông sản; có giải pháp tiếp cận, kết nối TTNS với tiểu thương tại các vùng lân cận, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Trước mắt, thông qua các kênh bán lẻ, các sàn thương mại điện tử của VNPT, Viettel... để tiêu thụ cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi bởi nhóm cây trồng này đã bước vào chính vụ thu hoạch, ước sản lượng khá lớn.

Thu Hằng