Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Xã Vũ Bình đa dạng sinh kế giảm nghèo bền vững

Thứ sáu, 29/9/2023 | 9:21:30 Sáng

(HBĐT) - Thời điểm này, trên khắp đồng đất xã Vũ Bình (Lạc Sơn) bà con tập trung thu hoạch lúa, chăm sóc mía, các loại rau đậu. Công việc này chủ yếu do các cô, bác tuổi trung niên đảm nhiệm. Lớp trẻ trong xã hầu hết đi gây dựng kinh tế, đa phần làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy trong, ngoài tỉnh. Sản xuất nông nghiệp giờ không còn là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình..


Công ty TNHH Tuấn Thi, xóm Át, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) thu hút lao động vào làm việc, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Chúng tôi đến xóm Cơi, một trong những điểm sáng về công tác giải quyết việc làm với phong trào thanh niên đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát là minh chứng cho cuộc sống đổi thay, cũng như hiệu quả của chương trình. Ông Bùi Văn Ởng, hộ có lao động đang làm việc tại Đài Loan chia sẻ: "Ngôi nhà được gia đình tôi xây dựng cách đây 3 năm, phần nhiều từ nguồn thu nhập do con trai đi lao động ở nước ngoài gửi về. Năm 2021, sau khi về nước một thời gian ngắn, con trai tôi quay trở lại thị trường lao động nước ngoài để tích lũy thêm vốn liếng”.

Ngay gần nhà ông Ởng là hộ bà Bùi Thị Tình có con trai và con dâu cùng đi XKLĐ. Bà Tình phấn khởi bộc bạch: Trước đây gia cảnh nhà tôi thực sự khó khăn, đông miệng ăn, thuộc diện hộ nghèo nhất xóm. Nhờ đi XKLĐ gia đình được "mở mày, mở mặt”. Ngôi biệt thự vừa xây cất có chi phí ngót 2 tỷ đồng là thành quả, công sức của con trai, con dâu tôi trong những năm đi XKLĐ.

Có địa chỉ tại xóm Át, cơ sở may của Công ty TNHH Tuấn Thi hoạt động được gần 3 năm, tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương. Chị Bùi Thị Thi, người con của quê hương đồng thời là chủ doanh nghiệp đã năng động liên kết đầu mối gom đơn hàng may thú nhồi bông về cho chị em làm. Chị còn đào tạo nghề may, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để lao động sớm làm nghề, có thu nhập. Nhờ đơn hàng ổn định nên công việc đảm bảo thường xuyên, lao động hưởng lương theo sản phẩm với bình quân thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, một số chị em có thể đạt thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Chị Bùi Thị Mến, xóm Át chia sẻ: Từ khi vào làm tại đây tôi tự chủ về tài chính, được tham gia bảo hiểm. Tôi cũng tự tin là người phụ nữ trong gia đình vừa có thể đảm đương việc nhà, vừa đỡ đần về kinh tế, có điều kiện chăm lo cho con được đầy đủ hơn.

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, xã Vũ Bình có 20 xóm, phố, quy mô dân số khoảng 9.800 người. Bên cạnh các phố Lâm Hóa 1, Lâm Hóa 2 phát triển ngành nghề thương mại, dịch vụ, Nhân dân các xóm có diện tích đất nông nghiệp vẫn duy trì sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. 6 - 7 năm trở lại đây, để tạo đột phá trong giảm nghèo bền vững, nhiều con em trong xã sau khi học xong đã ứng tuyển làm việc ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp ngoại tỉnh, đông nhất là làm trong các khu công nghiệp củacác tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang,Bình Dương, Đồng Nai. Trên địa bàn xã cũng đang phát triển loại hình doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác thu hút lao động vào làm việc.

Đồng chí Bùi Minh Tặng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bình cho biết: Giải quyết việc làm cho lao động được cấp ủy, chính quyền xác định là giải pháp trọng tâm để thực hiện công cuộc giảm nghèo, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Thông qua thông tin, tuyên truyền chính sách cho vay giải quyết việc làm, nhất là cho vay đi làm việc ở ngoài nước theo hợp đồng, người lao động đã nắm bắt cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước, mạnh dạn tham gia thị trường ngoài nước để tiếp thu kỹ thuật tiên tiến, có thu nhập cao. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã giảm còn dưới 13%, ước tính bình quân thu nhập năm 2023 đạt 48,5 triệu đồng/người. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã, đang chung sức để diện mạo quê hương càng thêm khởi sắc, tự tin đón bằng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.


Bùi Minh