Xã Nhân Nghĩa nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững
Thứ sáu, 6/10/2023 | 8:48:34 Sáng
(HBĐT) - Xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, làng quê yên bình với 10 xóm, 1.502 hộ, gần 6.400 nhân khẩu. Những năm gần đây, xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo đà cho nông nghiệp, nông thôn vùng trung tâm Mường Vó khởi sắc.
Phụ nữ xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) làm ra sản phẩm mây tre đan chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, góp phần cải thiện thu nhập gia đình.
Khoảng 5 - 6 năm về trước, anh Bùi Văn Kiên ở xóm Vó Dò sau khi tìm hiểu, tiếp cận thị trường đã đồng ý liên kết cùng một cơ sở làng nghề ở Hà Nội mở rộng đơn hàng mây tre đan xuất khẩu. Đều đặn từ đó, anh trở thành đầu mối trung chuyển nguyên vật liệu cho một số hộ trong xóm và nhận lại sản phẩm, trả tiền công cho bà con. Với xuất phát điểm hộ cận nghèo, năm 2023, gia đình anh đã có mức sống trung bình khá, đồng thời giúp các thành viên trong nhóm hộ nghèo, cận nghèo vươn lên.
Xã Nhân Nghĩa cũng là địa phương phát triển nghề mây tre đan có tiếng. Ngoài hàng chục đầu mối sản xuất nhỏ lẻ như gia đình anh Bùi Văn Kiên, trên địa bàn có 1 làng nghề mây tre đan xóm Bui được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2017. Năm 2020, Hợp tác xã mây tre đan xóm Bui được thành lập, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 50 thành viên. Một cơ sở sản xuất mây tre đan quy mô khác tại xã là cơ sở của anh Bùi Văn Quỳnh, xóm Bui tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 70 lao động. Cơ sở này còn tích cực phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện mở lớp đào tạo nghề cho phụ nữ các xã khác, góp phần phát triển mô hình làng nghề mây tre đan với phạm vi lớn hơn.
Trên địa bàn còn có mô hình sản xuất tinh bột nghệ Nhưng Vần ở xóm Bưng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP. Theo ông Bùi Văn Nhưng, chủ cơ sở, nguồn nguyên liệu được trực tiếp thu mua từ các vùng chuyên canh của huyện, quy trình chế biến khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với dây chuyền công nghệ sấy lạnh tiên tiến. Ngoài mang đến cho thị trường thương hiệu sản phẩm chất lượng, chăm sóc sức khỏe gia đình Việt, được khách hàng ưa chuộng, tin dùng, cơ sở còn tạo nhiều việc làm cho lao động tham gia hoạt động sản xuất.
Đồng chí Bùi Thị Hồng Vân, công chức văn hóa - xã hội xã Nhân Nghĩa cho biết: Xã đang nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, mục tiêu trở thành thị trấn Mường Vó đạt đô thị loại V vào năm 2025. Bên cạnh phát triển nghề mây tre đan tạo thu nhập chính cho khoảng 260 lao động, thu hút 600 lao động thời vụ, trên địa bàn còn có nhiều mô hình tiêu biểu trong giảm nghèo bền vững của hộ gia đình và các xóm, như các mô hình: nuôi hươu lấy nhung của hộ cận nghèo Bùi Hồng Thương, xóm Bui; chuyển đổi đất ruộng sang trồng cây lấy hạt chất lượng cao của nông dân các xóm: Vó Trên, Vó Giữa, Vó Dò cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/ha. Đồng hành với người dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh và công cuộc giảm nghèo bền vững, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, thanh niên... các tổ chức tín dụng đã kịp thời giải quyết khó khăn về nguồn vốn của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Cùng với phong trào phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Một số công ty, cơ sở may mặc đứng chân trên địa bàn giúp tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, chủ yếu là lao động trẻ. Ước tính năm 2023, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 55 triệu đồng, có thêm 54 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,19%; hộ cận nghèo giảm thêm 105 hộ, còn 19%.