Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Xã Yên Phú nâng cao thu nhập từ nông nghiệp

Thứ hai, 27/11/2023 | 5:10:57 Chiều

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Yên Phú (Lạc Sơn) ước đạt 52 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 7,55%, hộ cận nghèo 9%. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững.


Nông dân xóm Trắng Đồi, xã Yên Phú (Lạc Sơn) trồng cây rau màu có giá trị kinh tế cao trên diện tích dồn điền, đổi thửa.

Yên Phú cũng là địa phương đầu tiên của huyện thực hiện thí điểm và nhân rộng dồn điền, đổi thửa. Hiệu quả của công tác này đã thấy rõ với sự hình thành những thửa ruộng lớn, thuận tiện cho tưới tiêu, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cũng từ đây, nông dân các xóm trồng đa dạng các loại cây trồng, chú trọng các loại rau, đậu có giá trị kinh tế cao như: dưa chuột, bí xanh, củ đậu… Đến nay, toàn xã trồng trên 40 ha ngô, gần 20 ha rau, đậu các loại, tập trung ở các xóm: Vành Rả, Trắng Đồi, Trắng Cát, Vành. Một số xóm (Bợ, Trắng Đồi, Đồi Bái) mở rộng diện tích trồng ngô ngọt. 

Từ tháng 9/2023, Trung tâm Giống cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng thí điểm mô hình trồng đậu tương giống mới với quy mô 6 ha tại 3 xóm (Vành Rảm, Trắng Cát, Vành), với 30 hộ dân tham gia. Hiện nay, đậu tương phát triển tốt và đang chuẩn bị thu hoạch. Ngoài hỗ trợ về giống đậu tương, Trung tâm Giống cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã kết nối với doanh nghiệp thu mua cho nông dân với giá bằng hoặc cao hơn so với giá thị trường. Nhờ đó, nông dân tích cực tham gia mô hình, gồm cả hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đồng chí Phạm Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, đời sống của người dân cải thiện đáng kể. Hiện nay, đa phần các hộ nghèo, cận nghèo đều do không có lao động, không có thu nhập hoặc con, cháu đi làm ăn xa. Để thúc đẩy giảm nghèo, thực hiện giảm nghèo bền vững tại địa phương, bên cạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã quan tâm, chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Sau khi tham gia lớp nghề bảo vệ thực vật từ tháng 7 - 9/2023, chị Bùi Thị Yên (SN 1989) ở xóm Bợ cùng 29 nông dân khác có được những kiến thức cơ bản trong nhận biết các loại sâu bệnh và phương pháp phòng trừ trên cây lúa. Chị Yên chia sẻ: Trước đây, cứ thấy trên đồng ruộng có sâu bệnh là tôi mua thuốc về phun mà không nhận diện đúng đối tượng nên nhiều lúc không hiệu quả. Từ khi được học, tôi đã có thể xác định chính xác các loại sâu bệnh hại lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với phương châm 4 đúng: "đúng đối tượng - đúng lúc - đúng cách - đúng liều lượng".

Trong năm 2023, xã phối hợp mở 4 lớp nghề về bảo vệ thực vật, nuôi cá nước ngọt, điện dân dụng, may công nghiệp, mỗi lớp 30 học viên là lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, hiện nay, tỷ trong công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ của xã còn khá thấp, chiếm 15%. Trong quy hoạch điểm du lịch vùng hồ Cánh Tạng, xã xác định lựa chọn một số cây trồng mũi nhọn gắn với phát triển du lịch trong tương lai. Mặt khác, đề xuất, kiến nghị cấp trên mở thêm các lớp đào tạo nghề cho nông dân. Xã phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiến 18%, thương mại - dịch vụ 37%, nông - lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 45%.     


Bùi Minh