Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Phụ nữ xã Vũ Bình nhân rộng các điển hình tạo việc làm, hỗ trợ việc làm bền vững

Thứ tư, 13/12/2023 | 9:06:21 Sáng

Không chỉ là đơn vị đi đầu trong công tác xuất khẩu lao động của huyện Lạc Sơn, xã Vũ Bình còn chủ động, tích cực giải quyết việc làm tại chỗ nhằm góp phần thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Điển hình trong đó là cán bộ, hội viên ở các chi hội thuộc Hội LHPN xã.


Cơ sở may thú nhồi bông của chị Bùi Thị Thi, xóm Át, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 40 lao động nữ ở địa phương.

Ở địa phương, ai nấy đều khen ngợi chị Bùi Thị Thi, hội viên chi hội xóm Át hăng hái, nhiệt tình trong tham gia các phong trào hội và là tấm gương phụ nữ khởi nghiệp năng động, tạo được nhiều việc làm cho các chị em khác. Sau những năm tháng khó khăn phải bươn chải, vợ chồng chị đã gây dựng được cơ sở may Tuấn Thi và thực hiện liên kết với đầu mối thu gom đơn hàng may thú nhồi bông mang về cho chị em cùng làm. Chị còn đào tạo nghề, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để lao động sớm làm nghề, sớm có thu nhập. Bên cạnh tạo lợi nhuận cho gia đình, chị còn tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động địa phương với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người/ tháng, một số chị em  tay nghề cao có thể đạt thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Gần đây, chị còn phát triển thêm mô hình khu du lịch Vườn hoa xứ Mường. Tổng thu nhập hàng tháng của gia đình chị đạt trên, dưới 100 triệu đồng.

Hội viên ở chi hội phụ nữ các xóm, phố còn đa dạng mô hình phát triển kinh tế, giúp giải quyết việc làm bền vững. Nổi bật như mô hình cửa hàng kinh doanh điện tử, điện lạnh dân dụng của chị Hoàng Thị Phương Anh, hội viên phụ nữ phố Lâm Hóa 1. Chị Phương Anh cho biết: "Ban đầu thực hiện, đây chỉ là cửa hàng nhỏ. Dần dà, sau khi được tham gia các lớp tập huấn, tích lũy kinh nghiệm và chủ động tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như thị hiếu khách hàng, tôi đã mở rộng quy mô kinh doanh với nhiều mặt hàng đa dạng, từ sản phẩm điện thoại di động đến đồ gia dụng máy giặt, tủ lạnh, tivi... Bình quân mỗi năm, gia đình tôi đạt thu nhập 180 - 200 triệu đồng”.

Một điển hình hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh nữa là chị Bùi Thị Dinh ở xóm Mè. Mô hình của chị Dinh là chăn nuôi kết hợp trồng bí xanh. Từ tổng đàn lợn nuôi 80 - 100 con/lứa và 900 m2 bí xanh, gia đình chị đạt thu nhập 120 - 150 triệu đồng/năm.

Theo chị Bùi Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Bình, trên địa bàn còn nhiều mô hình và cách làm sáng tạo trong tạo việc làm và hỗ trợ việc làm cho phụ nữ. Năm 2023, Hội phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, thú y cơ sở mở 2 lớp chăn nuôi gà tại chi hội xóm Cài với 30 hội viên tham gia; giới thiệu 200 lao động làm việc tại các công ty trên địa bàn huyện và cơ sở may Tuấn Thi trong xã; duy trì tốt tổ sản xuất rau an toàn tại chi hội xóm Sơ có 7 hội viên tham gia, hàng tháng cung cấp rau sạch cho các chợ và một số trường mầm non ở quanh vùng. Hội còn quản lý tốt quỹ ủy thác bán phần với Ngân hàng Chính sách xã hội, tham gia đầy đủ các cuộc giao dịch tại xã theo định kỳ hàng tháng. Đến nay, toàn Hội có 7 tổ tiết kiệm và vay vốn với 282 thành viên vay, tổng dư nợ trên 7,6 tỷ đồng.  

Ngoài những tấm gương nổi bật phát triển kinh tế, trong Hội còn có nhiều mô hình tạo việc làm, thu nhập ổn định để chị em học hỏi, như chị Bùi Thị Miên ở xóm Thóng với mô hình trồng thanh long; chị Bùi Thị Giang ở xóm Át với mô hình trồng bí xanh... Từ sự hỗ trợ về chính sách của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vượt khó của bản thân để tự tạo việc làm, việc làm bền vững, cán bộ, hội viên toàn hội được nâng cao năng lực về mọi mặt, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách giới, xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời đại mới có sức khỏe và tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. 


Bùi Minh