Huyện ủy, UBND Huyện Lương Sơn

Huyện Lương Sơn: Nỗ lực gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

Thứ bảy, 23/10/2021 | 1:09:20 Chiều

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn có 3 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 64% dân số. Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp Nhân dân, bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở vùng cửa ngõ của tỉnh được lưu giữ, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng.


Trang phục truyền thống dân tộc Mường được người dân thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, các dịp lễ hội và sự kiện văn hóa.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, Nghệ nhân Nguyễn Thị Hình, xóm Rổng Cấn, xã Lâm Sơn luôn đau đáu giữ gìn và phát huy giá trị của chiêng Mường. Là một trong số ít nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật đánh chiêng, bà luôn mong muốn có thể xây dựng thế hệ nghệ nhân trẻ, nòng cốt, làm lực lượng kế cận trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chiêng Mường. Do đó, những năm gần đây, cùng với nỗ lực của các ngành, đơn vị và địa phương, bà tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã, huyện. Đến nay, bà Hình đã truyền dạy kỹ năng đánh chiêng cho khoảng hơn 100 người cả trong làng, ngoài xã. 

Những năm qua, UBND huyện đã phối hợp các ngành, đoàn thể triển khai nhiều chương trình, hoạt động, đề án nhằm bảo vệ, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc Mường... Theo đó, phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh, lấy các đội văn nghệ là nhân tố tuyên truyền, khơi lại nét đẹp truyền thống của trang phục, dân ca, chiêng Mường... Mỗi năm, vào các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, các đội văn nghệ được tạo điều kiện tham gia dự thi để lan tỏa, phát huy những yếu tố bản sắc văn hóa qua các tiết mục, trang phục biểu diễn. 

Ngành văn hóa huyện xây dựng kế hoạch tập huấn cho các đội văn nghệ với từng chủ đề khác nhau qua từng năm. Từ năm 2019 đến nay, đã có gần 850 người được phổ biến, hướng dẫn các làn điệu dân ca, điệu múa, trình tấu chiêng Mường. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, trọng tâm của huyện là phát triển các giá trị đời sống tinh thần, điển hình như chiêng Mường, trang phục dân tộc, dân ca Mường. Thông qua các lớp tập huấn kỹ năng được tổ chức theo từng chủ đề, nhiều đội văn nghệ từ không có kiến thức cơ bản đã phát huy tốt năng lực, giúp lan tỏa được những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đến từng thôn, xóm trên địa bàn. 

Cùng với đó, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa được địa phương quan tâm. Nhiều xã, thị trấn chú trọng xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh. Công tác giáo dục chính trị, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức... được triển khai sâu rộng, gắn với xây dựng NTM.
Với những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc dân tộc đã được bảo vệ, phát huy. Hiện, toàn huyện có trên 780 di sản văn hóa phi vật thể; 146 đội văn nghệ ở các xã, thị trấn. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, toàn huyện có khoảng 75% làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa.


Thu Hằng