Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình

Thành phố Hòa Bình hướng tới trở thành vùng kinh tế năng động

Thứ bảy, 2/10/2021 | 11:36:03 Sáng

(HBĐT) - Với vị trí trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, TP Hòa Bình được đón nhận nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức trên hành trình phát triển. Cùng với đó, thành phố được xác định là vùng đô thị - công nghiệp, vùng động lực KT-XH của tỉnh, là động lực kéo theo các tiểu vùng khác phát triển. Để xứng tầm là "trái tim" của tỉnh và trọng trách vùng động lực, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã chung sức, đồng lòng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa và vùng kinh tế năng động.



Những dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới là điểm nhấn trong phát triển của TP Hòa Bình.

Sự kiện đánh dấu trang sử mới là thực hiện nhập, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số, các đơn vị hành chính huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình theo Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc mở rộng ranh giới mang tính quyết định thay đổi vị thế của Hòa Bình trong tổng thể vùng, tác động lớn đến bối cảnh phát triển KT-XH chung toàn khu vực, cũng như mang lại những tiềm năng và cơ hội để phát triển TP Hòa Bình lên một vị thế mới. 

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là: Đẩy mạnh công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH; xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại... Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II trước năm 2025, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, tập trung đa dạng hóa các ngành dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững cả chiều rộng và chiều sâu. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp cao, có ưu thế về nguyên liệu, thị trường; xử lý nước thải, rác thải; năng lượng tái tạo; công nghiệp hỗ trợ và các ngành sử dụng nhiều lao động. Tính đến đầu năm 2021, trên địa bàn có gần 109 doanh nghiệp và gần 1.500 hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thu hút gần 14.000 lao động. Các sản phẩm tập trung chủ yếu vào hàng may mặc, phụ kiện, linh kiện điện tử. Các ngành nghề truyền thống của địa phương như: Sản xuất vật liệu xây dựng, gạch các loại, sản xuất chổi chít, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất đồ mộc dân dụng, gia công cơ khí... tiếp tục được phát triển.

Đặc biệt, Thành ủy đã đánh giá tổng thể việc mở rộng địa giới hành chính, trên cơ sở đó chỉ đạo UBND thành phố phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh thực hiện lập Quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình; lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với những khu vực phát triển; rà soát các tiêu chí đô thị loại II và tập trung hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu về hạ tầng đối với các phường: Kỳ Sơn, Thống Nhất, Dân Chủ...; thành lập 2 phường Trung Minh, Quỳnh Lâm. Lập và công khai Quy hoạch sử dụng đất, giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025; xây dựng Kế hoạch sử dụng đất TP Hòa Bình năm 2020, 2021 để làm cơ sở thu hút đầu tư.

Hiện, trên địa bàn thành phố thu hút được dự án đầu tư nhiều nhất tỉnh với 203 dự án, chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ - thương mại, hạ tầng - đô thị... Trong đó có 126 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp (CCN), 52 dự án trong khu công nghiệp (KCN), 4 dự án trong CCN, 21 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo tiền đề cơ bản xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II, như: Quảng trường Hòa Bình, dự án Shophouse Vincom phường Đồng Tiến, Trung tâm thương mại và khách sạn Hoàng Sơn Plaza, Khu dịch vụ khách sạn và thương mại tổng hợp Định Nhuận... 

Theo Bí thư Thành ủy Ngô Ngọc Đức, xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khi Nhà nước thu hồi đất là nhiệm vụ quan trọng, nhưng hết sức khó khăn, phức tạp. Thời gian qua, Thành ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo sự hài hòa trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Song song với đó, thành phố luôn chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến công tác GPMB. Thành ủy đã xây dựng Phương án số 01-PA/TH.U, ngày 14/4/2021 về tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường GPMB và giải quyết kịp thời những vướng mắc đối với các dự án đầu tư. 

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền thành phố đã quyết liệt chỉ đạo công tác GPMB đối với các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông và các khu, CCN: bờ trái sông Đà, Mông Hóa, Yên Quang, Tiên Tiến... để thu hút đầu tư. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết các thủ tục hành chính, GPMB để nhà đầu tư sớm triển khai các dự án nhà ở thương mại; xây dựng các Khu đô thị mới: Trung Minh, phía Nam Quảng trường Hòa Bình, Hòa Bình - Gelximco, Khu đô thị cao cấp Sao Mai đường Trần Hưng Đạo, khu đô thị Thống Nhất... Các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo sức bật, là điểm nhấn trong phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Năng động trong phát triển KT-XH, TP Hòa Bình đang nỗ lực đạt được những chỉ tiêu quan trọng đề ra trong năm 2021: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch với tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 48,5%, CN-XD 44,5%, nông - lâm nghiệp - thủy sản 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,25%; tỷ lệ đô thị hóa 78,1%...
     
Thu Hiền