(HBĐT) - Nếu như mọi năm, thời điểm này, nhiều chủ vườn nhãn ở xã Cao Sơn (Lương Sơn) rộ mùa thu hoạch thì năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhãn đến kỳ thu hoạch mà không có tư thương đến thu mua khiến nhiều nông dân rơi vào tình cảnh "đứng ngồi không yên”.
Anh Nguyễn Thanh Hậu, chủ hộ trồng nhãn ở xóm Vai Đào, xã Cao Sơn cho biết: Năm nay, do được chăm sóc tốt nên vườn nhãn của gia đình rất sai quả, dự kiến sản lượng đạt từ 5 - 7 tấn quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Lương Sơn phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên hiện tại nhãn đang vào vụ thu hoạch nhưng không có tư thương đến thu mua khiến gia đình rất lo lắng.
"Năm trước, giá thu mua tại vườn là 20.000 - 25.000 đồng/kg, năm nào rẻ nhất cũng bán được từ 10.000 - 12.000 đồng/ 1kg, nhưng năm nay, vì không có ai hỏi mua nên mỗi ngày, gia đình tôi chỉ bẻ được vài tạ bán lẻ cho bà con quanh vùng, giá chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng/kg” - anh Hậu buồn rầu nói.
Đồng chí Bùi Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn thông tin: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 38 ha nhãn, chủ yếu là giống nhãn Miền Hưng Yên được người dân trồng từ hơn 10 năm trước, sản lượng ước tính trên dưới 160 tấn quả, phần lớn là của các thành viên Hợp tác xã dịch vụ và thương mại Vai Đào, số lượng khoảng 120 - 130 tấn quả. Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, UBND xã đã chủ động làm văn bản đề nghị UBND huyện có giải pháp hỗ trợ bà con tiêu thụ nhãn. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là ở Thủ đô Hà Nội, nơi có nhu cầu tiêu thụ nông sản lớn của cả vùng cũng đang phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch nên rất khó tiêu thụ. Mặt khác, do sản phẩm nhãn của bà con xã Cao Sơn chủ yếu bán phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, chưa bán xuất khẩu và cũng chưa xây dựng được cơ sở chế biến nên hiện rất khó khăn giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Cũng là một trong những hộ có diện tích trồng nhãn Miền lớn nhất, nhì ở xóm Vai Đào, gia đình ông Phạm Văn Hắc có trên 2,5 ha nhãn với trên 800 cây đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay, vườn nhãn của gia đình ông mất mùa nên sản lượng đạt thấp, chỉ từ 5 - 6 tấn, giảm gần 4 lần so với các năm trước, vì vậy, ông thấy cũng bớt lo hơn. "Do chủ yếu là giống nhãn Miền Hưng Yên được trồng trên đất Vai Đào, chất lượng quả to, dày cùi, ngọt thanh, mùi vị thơm nên từ nhiều năm nay, sản phẩm nhãn ở đây được các tư thương và người tiêu dùng ưa chuộng. Cũng nhờ cây nhãn mà đời sống của người dân Vai Đào được cải thiện rõ rệt” - ông Hắc chia sẻ.
Không chỉ riêng ở xã Cao Sơn gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, theo một cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Lương Sơn, hiện trên địa bàn huyện có khoảng trên 300 tấn nhãn của nông dân đang cần được giải cứu, chủ yếu tập trung ở các xã Cao Sơn, Hòa Sơn, Liên Sơn, Cao Dương, Thanh Sơn. UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm DVNN huyện chủ động kết nối với tư thương từ bên ngoài vào thu mua, đồng thời tổ chức giới thiệu, bán sản phẩm bằng nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, mỗi ngày cũng chỉ bán được từ 1 - 2 tấn sản phẩm với giá từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng của từng loại nhãn.
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, việc tìm đầu ra cho nông sản giúp nông dân quả là bài toán khó đặt ra cho các cấp chính quyền địa phương càng phải nỗ lực hơn để tìm ra lời giải.
Thanh Hoàn
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Lương Sơn)