Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Phát triển bền vững thủ phủ cam cao phong: Bài 1 - Cây cam bén duyên với đất Cao Phong

Thứ hai, 25/11/2024 | 9:59:40 Sáng

Hơn nửa thế kỷ hiện diện qua bao thăng trầm, rồi trụ vững trên đồng đất Mường Thàng với thương hiệu Cam Cao Phong nức tiếng gần xa. Những năm gần đây, cam Cao Phong định hình lại hướng đi, tổ chức lại sản xuất như một lẽ tất yếu, nhất là sau giai đoạn phát triển "nóng” với nhiều bất cập.






Vườn cam sai trĩu quả vào vụ thu hoạch của Hợp tác xã 3T Farm, thị trấn Cao Phong (Cao Phong). 

Cây cam đến, ở lại và toả sáng như một sự lựa chọn của "số phận". Bởi trong giai đoạn các nông trường khác trong tỉnh phải chặt bỏ cây cam vì sự biến động của thị trường, thì loài cây này vẫn trụ lại và phát triển mạnh mẽ ở mảnh đất Mường Thàng.

Vùng cam còn lại sau giai đoạn "hoàng kim”

Mường Thàng là 1 trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh, nay là huyện Cao Phong. Mường Thàng nằm ở độ cao trên 250m so với mực nước biển, xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi. Điều này đã tạo nên một tiểu khí hậu riêng, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây cam, quýt, mía và một số loại cây trồng khác. Thế nên dễ hiểu khi nơi đây đã trở thành thủ phủ của một số đặc sản ở xứ Mường, như cam Cao Phong, mía tím Cao Phong. Trong đó, cây cam đã thực sự giúp Mường Thàng lột xác, trở thành vùng Mường giàu có bậc nhất. Vậy, cây cam đã bén duyên với đất Mường Thàng từ bao giờ? Quá trình hình thành, phát triển của vùng cam và những thành công mà cây trồng này mang lại cho người dân nơi đây ra sao?

Qua trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, ông Hà Ngọc Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) được biết: Những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi thành lập Bộ Nông trường, ở Hòa Bình hình thành 4 nông trường cam. Trong đó, vùng cam của Nông trường Cao Phong (nay là Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình) có quy mô đứng thứ 3 trong 4 nông trường. Trong chu kỳ đầu tiên của cây cam, diện tích cam của Nông trường Cao Phong lên tới 900 ha. Những năm 80 là thời kỳ hoàng kim của cam Hòa Bình, khi quả cam được xuất khẩu mạnh sang thị trường Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, năm 1991, khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã thì các đơn hàng xuất sang thị trường này cũng bị "vỡ”.  

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, do những khó khăn về thị trường tiêu thụ nên cây cam dần bị chặt bỏ tại các nông trường để chuyển sang trồng chè. Đến năm 1997, cả tỉnh chỉ còn 219 ha cam. Diện tích cam còn lại chủ yếu nằm ở Nông trường Cao Phong. Lúc này cây cam phát triển trong bối cảnh nhiều khó khăn, cam Cao Phong phải chở vào Vinh (Nghệ An) để tiêu thụ trong thời gian khá dài. Đến đầu những năm 2000, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trở thành động lực đầu tiên để cây cam Cao Phong phục hồi và phát triển nhằm "đánh bại” cam nhập từ Trung Quốc. Cũng từ thời điểm này, nhiều giống cam mới được đưa vào sản xuất nên sản phẩm cam Cao Phong khá đa dạng, thời gian cho thu hoạch kéo dài. Năm 2014, cam Cao Phong được cấp Chỉ dẫn địa lý đã mở ra bước ngoặt để phát triển với những hiệu quả kinh tế vượt ngoài mong đợi.  

Cây cam là lời giải cho bài toán "trồng cây gì”

Đó là khẳng định của đa số người trồng cam ở đất Cao Phong. Ông Hà Ngọc Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình cho biết: Nông trường Cao Phong được thành lập nhằm mục đích khai hoang, phát triển kinh tế. Những năm đầu, nông trường trồng nhiều loại cây khác nhau, trong đó có cây cam. Phải đến cuối những năm 60, đầu những năm 70, nông trường mới tập trung vào trồng cây cam, xác định đây là cây trồng chủ đạo. Năm 1968, nông trường có khoảng trên 100 ha cam, thị trường tiêu thụ chính là Liên Xô cũ, năm cao nhất (1976) đạt 3 nghìn tấn xuất khẩu. Từ đó đến nay, cây cam của nông trường đã trải qua nhiều thăng trầm. Thế nhưng phải khẳng định, với Cao Phong đây vẫn là cây trồng chủ lực, hiện chưa có cây nào thay thế được cây cam. 

Bắc Phong là một trong những xã hiện vẫn phát triển mạnh cây cam. Trong đó, tại xóm Dệ có hàng chục hộ dân đã gắn bó và "ăn nên làm ra” với cây trồng này. Khoảng 15 năm trở về trước, đời sống kinh tế của người dân xóm Dệ gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có đồng đất bằng phẳng, nhưng bao năm bà con loay hoay không biết lựa chọn cây gì để khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai. Từ khi chuyển sang trồng cam, nhiều hộ đã thành công và có bước bứt phá với thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Ông Ngô Thanh Huấn, Trưởng xóm Dệ chia sẻ: Xóm Dệ vốn rất khó khăn. Trước khi có những vườn cam xanh tốt như hiện nay thì đa số là vườn tạp, thậm chí là đồi hoang. Nhưng từ khi trồng cam, đời sống bà con thay đổi, bộ mặt làng xóm khang trang hơn rất nhiều. Mặc dù có thời điểm do sản xuất ồ ạt theo phong trào nên có những hộ thất bại, nhưng vẫn có nhiều hộ thành công và tiếp tục gắn bó với cây cam. Đây không chỉ là cây xoá nghèo mà còn giúp bà con làm giàu. 

Cũng tại xã Bắc Phong, hộ ông Ứng Văn Quán, xóm Hải Phong chuyển sang trồng cam từ năm 2013. Đến nay vườn cam đã cho thu hoạch đều đặn hơn 6 năm. Ông Quán cũng cho rằng, suốt hơn chục năm qua, không có cây gì hơn được cây cam về hiệu quả kinh tế mang lại. "Trước đây gia đình chỉ trồng ngô, sắn, vài loại cây tạp khác nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi trồng cam, chỉ chuyên vào cây cam thôi mới có thu nhập ổn định. Cây cam vẫn là cây trồng quan trọng nhất với chúng tôi”, ông Quán khẳng định. 

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong Bùi Văn Dán cũng khẳng định: Cây cam là cây trồng chủ lực của người dân huyện Cao Phong. Hiện nay, cây cam trải qua chu kỳ tái canh lớn nhất từ trước đến nay. Đây là giai đoạn bà con cải tạo đất để chuẩn bị cho chu kỳ tái canh tiếp theo. Tỉnh, huyện đang đồng hành, hỗ trợ người dân để phát triển cây cam đúng quy hoạch, bài bản hơn.

(Còn nữa)

Thúy Hằng - Viết Đào