Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Giai đoạn 2014 - 2017, cam Cao Phong là thương hiệu mạnh trên thị trường nông sản, nhiều hộ trồng cam đã trở thành tỷ phú. Do đó người người, nhà nhà đổ xô đi mua đất hoặc phá bỏ cây trồng khác để trồng cam. Hết chỗ bằng phẳng, cam được trồng trên sườn đồi, dốc núi, bờ ao... Vì thế diện tích cam tăng chóng mặt. Đến năm 2018, diện tích cam của huyện Cao Phong tăng lên trên 3.000 ha, gấp đôi năm 2014. Theo quy luật, phát triển "nóng” ắt nảy sinh những hệ lụy nhãn tiền!
Hộ trồng cam tại xóm Hải Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong) sử dụng phân bón hữu cơ để phục hồi vườn cam giảm năng suất do lạm dụng phân bón hóa học.
Vỡ quy hoạch, sâu bệnh, hàng trăm vườn cam chuyển vị …" đắng”
"Với sự kết hợp giữa khí hậu, thổ nhưỡng, giống và kỹ thuật canh tác, quả cam Cao Phong có hương vị thơm ngọt đặc biệt. Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Cho đến nay, cam Cao Phong vẫn vững vàng thương hiệu và vẫn luôn được nhiều người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh tin dùng, chọn mua. Nói vậy để lý giải vị "đắng” ở đây không phải là vị đắng của quả cam, mà là sự đắng lòng của một số ít người trồng cam theo kiểu "ăn sổi”, khiến vỡ quy hoạch, nguồn cung lớn dẫn đến thiếu đầu ra cho sản phẩm. Thêm nữa, nhiều hộ đầu tư trồng rồi bỏ đấy. Thiếu kỹ thuật trồng và chăm sóc nên vườn cam bị sâu bệnh hại cho sản lượng thấp, chất lượng quả không đảm bảo, không thể bán, hoặc bán với số lượng ít, giá rẻ chạm gốc. Nhiều chủ vườn trăn trở tiền bán cam không đủ để trả công cho người thu hái, nên nói nhiều vườn cam chuyển vị đắng là vì thế…”. Đó là trao đổi của đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong khi chúng tôi tìm hiểu về giá trị cây cam, quả cam Cao Phong sau thời kỳ phát triển "nóng”.
Còn nguyên do vỡ quy hoạch, đồng chí Bùi Văn Dán chia sẻ: Những năm 2015 - 2017, cam Cao Phong được mùa, được giá, được nâng tầm giá trị đến mức mỗi mùa cam được ví như "mùa vàng”. Trong khi các loại cam khác ở các tỉnh bạn thuộc Bắc, Trung Bộ và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long bán với giá vài nghìn đồng, cao là 30.000 đồng/kg thì cam Cao Phong luôn dao động quanh ngưỡng 45.000 - 55.000 đồng/kg tại vườn. Khi đã qua tay tiểu thương, hoặc lên kệ ở các cửa hàng, siêu thị thì giá còn cao hơn, dao động mức 55.000 - 65.000 đồng/kg cam tùy từng thời điểm và từng loại cam. Được giá như vậy nên mỗi ha cam sau khi trừ chi phí, người trồng thu lãi khoảng 700 - 800 triệu đồng. Lợi nhuận cao khiến người người, nhà nhà trồng cam. Và hệ quả đã được báo trước, không ít hộ trồng cam rơi vào cơn bĩ cực, ngậm ngùi phá bỏ vườn cam.
Diện tích cam giảm mạnh
Thực tế trong hơn 1 thập kỷ qua, huyện Cao Phong đã và luôn được mặc định là "thủ phủ cam”. Cam không chỉ được trồng nhiều ở vùng lõi là thị trấn Cao Phong, các xã: Thu Phong, Hợp Phong, Bắc Phong, Tây Phong, mà cả xã vùng cao Thạch Yên hay 2 xã vùng ven sông Đà ít đất như Bình Thanh, Thung Nai cũng ngợp sắc cam. Để gối vụ, người trồng cam sử dụng nhiều loại giống: CS1 (cam lòng vàng), Xã Đoài, cam Sông Con, cam Sành, cam Marrs, cam Đường Canh, quýt Ôn Châu, quýt Cao Phong... Vì thế mùa thu hoạch kéo dài từ cuối tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 năm sau. Đến với Cao Phong vào thời điểm thu, đông quãng 5 năm về trước, du khách thực sự choáng ngợp trước bạt ngàn vườn cam. Nhưng từ khoảng năm 2020 trở lại đây, đi trên đường chỉ thấy lác đác vườn cam, còn lại là vườn chuối, mía, cũng có khi là vườn… cỏ. Bởi trong 4 năm trở lại đây, số vườn cam Cao Phong đã sụt giảm mạnh.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến tháng 9/2024, toàn huyện Cao Phong chỉ còn trên 700ha cam, quýt, giảm hơn 2.200ha so với thời điểm năm 2018. Nguyên nhân dẫn đến diện tích cam giảm mạnh được lý giải: Trong giai đoạn tăng nhanh diện tích cam (2012 - 2017), một số vườn cam không đáp ứng được các yêu cầu về nguồn giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh... dẫn đến vườn cây không đem lại hiệu quả kinh tế. Hơn thế, giai đoạn 2018 - 2022 cũng là thời điểm hết chu kỳ khai thác của nhiều diện tích cam trồng thời điểm 2008 - 2013 (tùy theo giống và một số vườn chăm sóc không tốt 5 năm đã tàn). Mặt khác, một số hộ dân của huyện trồng cam từ những năm 60 của thế kỷ trước, đến nay đã qua 4 - 5 chu kỳ trồng tái canh, đến lúc cần phải cho đất nghỉ. Được hướng dẫn chặt chẽ về khoa học kỹ thuật, nhiều hộ trồng cam đã hủy vườn cam để cải tạo đất.
Cho dù xác định được rõ những nguyên nhân nhưng việc diện tích cam giảm mạnh là điều đáng lo. Lo rằng trong nay mai cam Cao Phong sẽ không còn đảm bảo được nguồn cung cả về sản lượng và chất lượng, mẫu mã sản phẩm để cung ứng ra thị trường rộng lớn, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu ra nước ngoài. Để "hóa giải” nỗi lo đó, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh triển khai những chủ trương, chính sách cụ thể để "thủ phủ” cam Cao Phong luôn giữ đà phát triển bền vững.
(Còn nữa)
Các xã vùng hồ Thuỷ điện Hoà Bình địa hình chia cắt, độ dốc lớn, mặt bằng và các điều kiện sản xuất, đời sống rất khó khăn. Hơn 40 năm sau chuyển dân phục vụ công trình Thủy điện Hòa Bình, cuộc sống người dân vẫn chưa ổn định, thường đối mặt với thiên tai, trượt sạt, biến đổi khí hậu.
Nhằm hỗ trợ đồng bào vùng chuyển dân sông Đà phục vụ xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình sản xuất, nâng cao đời sống, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo nguồn sinh kế. Các chương trình, dự án được triển khai từ năm 1994 đến nay góp phần cải thiện sinh kế, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước đổi thay, đời sống người dân dần được cải thiện.
Khi hoàn thành cuộc ngăn sông lịch sử lớn nhất thế kỷ 20, Thủy điện Hòa Bình là bản hùng ca về về ý chí, tinh thần, nghị lực Việt Nam; là những ca từ xúc động trên công trường rộn tiến ca; là khí thế thi công ngày đêm rầm rập vượt tiến độ, đưa công trình vào vận hành khai thác tốt các chức năng điều tiết nước, chống lũ, chống hạn, đảm bảo giao thông đường thủy, phát điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Song cũng là lúc người dân vùng hồ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, co cụm trên núi đồi, hình thành các chòm xóm, hầu hết cách biệt và cô lập…
Công trình Thủy điện Hòa Bình là một kỳ tích được tạo dựng bằng ý chí, quyết tâm, mồ hôi, công sức của cán bộ, Nhân dân cả nước trong hành trình trị thủy, chinh phục dòng sông Đà hung dữ, chuyển hóa sức nước thành dòng năng lượng điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - điện đại hóa đất nước. Đến nay, sau hơn 40 năm thực hiện cuộc di dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều nơi đã tiến xa nhưng vẫn còn những vùng trũng, khoảng tối trong cuộc sống người dân vùng hồ từng "hy sinh" rất lớn phục vụ công trình thế kỷ.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp phụ thuộc vào hoạt động của mỗi đại biểu dân cử. Mỗi đại biểu trên địa bàn tỉnh đã và đang khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Hoà Bình.
Khi được cử tri tin tưởng bầu chọn, các đại biểu đều quyết tâm thực hiện lời hứa để xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, sự tin tưởng của Nhân dân. Thực hiện lời hứa với Nhân dân là nhiệm vụ đau đáu đối với mỗi người đại biểu dân cử tỉnh Hoà Bình.