Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình

Xây dựng thành phố Hòa Bình xứng tầm trung tâm của tỉnh

Thứ năm, 8/7/2021 | 9:28:20 Sáng

(HBĐT) - Bên cạnh những thành tựu tạo nên dấu ấn cho thành phố bên sông Đà, trong quá trình phát triển và sáp nhập đơn vị hành chính, đô thị trung tâm của tỉnh phát sinh, đặt ra nhiều vấn đề, thách thức cần giải quyết để xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.


Bài 2 - Bước ngoặt sáp nhập và những vấn đề, thách thức đặt ra



Thành phố Hòa Bình thiếu bãi đỗ xe, ô tô đỗ tràn lan dọc đường Cù Chính Lan, phường Phương Lâm và ngay cạnh biển cấm đỗ. 

Bước ngoặt sáp nhập

Năm 2020 cũng là năm đi vào lịch sử khi sáp nhập toàn bộ huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình. Nhiệm vụ này được cho là có tính chiến lược lâu dài, tạo vị thế để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Sau nhập, thành phố có 10 phường, 9 xã, diện tích tăng lên 348,65 km2, dân số trên 135.000 người. Đảng bộ có 70 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với trên 11.000 đảng viên. 

Sau nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, xóm, tổ dân phố bước đầu có những xáo trộn, khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành nhưng thành phố đã ổn định tổ chức bộ máy, khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ. TP Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn về "một nhà” đã bắt nhịp, phát triển. Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, thành phố đã thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép”, đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu Nghị quyết BCH Đảng bộ đề ra. Thu NSNN đạt 597 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 76%, hộ nghèo giảm còn 1,28%, thu nhập bình quân đạt 66 triệu đồng/người; có 109 doanh nghiệp, 1.469 hộ cá thể, thu hút 13.980 lao động… Hạ tầng tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện, nhiều công trình, dự án trọng điểm tạo diện mạo cho đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế như: Cầu Hòa Bình 2; đường nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng; khu đô thị Thống Nhất; khu công nghiệp Mông Hóa, cụm công nghiệp Yên Mông... 6 tháng đầu năm 2021, tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kinh tế vẫn có những điểm sáng. Giá trị sản xuất CN - TTCN đạt 2.859,49 tỷ đồng, tăng 25,87% so với cùng kỳ năm 2020; thu NSNN đạt 243,73 tỷ đồng, bằng 53,22% dự toán tỉnh giao... Thành phố khẳng định vai trò là trung tâm, vùng động lực kinh tế của tỉnh. 

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh kết quả, quá trình phát triển và sau sáp nhập với quy mô dân số, diện tích tăng, thành phố phát sinh và đặt ra nhiều vấn đề, thách thức, nhất là trong công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng, nâng chất lượng đô thị. Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hòa Bình nhiệm kỳ 2015 - 2020, đến năm 2020, thành phố trở thành đô thị loại II, song sau nhập phải đánh giá lại các tiêu chí. Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Nguyễn Việt Hùng cho biết: Thành phố còn thiếu tiêu chuẩn về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; dân số, mật độ dân số và cây xanh đô thị khu vực nội thành; xử lý nước thải; nhà tang lễ. 

Mục tiêu trở thành đô thị loại II tiếp tục được Đảng bộ thành phố đề ra cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đạt trước năm 2025. Song thực tế còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý đô thị bộc lộ những hạn chế. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hòa Bình sau sáp nhập vẫn chưa được phê duyệt. Bí thư Thành ủy Ngô Ngọc Đức đánh giá: Quy hoạch phải đi trước và có chất lượng, tầm nhìn nhưng nhìn chung, chất lượng lập quy hoạch một số đồ án chưa cao, phải điều chỉnh. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu, chi tiết thấp. Nguồn lực đầu tư hạ tầng thiếu, nhất là các công trình công viên cây xanh, xử lý nước thải, cấp nước. Chậm thu hút đầu tư các công trình bằng nguồn vốn xã hội hóa như nhà tang lễ, bến xe, chợ. Giải phóng mặt bằng nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH. Nổi cộm là vấn đề xây dựng không phép, sai phép, trái phép, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất công, lòng đường, hè phố còn xảy ra, tái phạm. Ý thức chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT), xây dựng, bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao. 

Thực tế, quá trình triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật gây mất mỹ quan đô thị, ATGT, vệ sinh môi trường là một trong những nguyên nhân khiếu kiện, tranh chấp đất kéo dài, cản trở thực hiện mục tiêu thành phố trở thành đô thị loại II. Có những công trình kiểu "nhảy dù”, "nuốt” hồ, suối. Ngay cả dự án được cấp phép như của Công ty CP Thanh Út tại phường Thịnh Lang vẫn có nhiều công trình xây dựng trái phép mà chậm xử lý. Những cái tên: Dự án du lịch thuyền và dã ngoại trên sông Đà tại phường Thịnh Lang, Kami Cun Hill tại phường Thống Nhất; khu Thủy Sản, HTX Nghĩa Phương… còn những vướng mắc liên quan đến đất đai. 

Làm việc với BTV Thành ủy, đồng chí Ngô Văn Tuấn, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Nhìn chung, đô thị TP Hòa Bình chưa tương xứng với kỳ vọng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Thiếu định hướng, quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đô thị. Quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, tài nguyên, môi trường, thu hút đầu tư còn hạn chế; chưa tận dụng được lợi thế về đất đai để xây dựng hạ tầng. Thu hút đầu tư chưa chọn lọc kỹ, còn nhiều dự án chậm hoặc không triển khai; một số công trình trọng điểm chậm tiến độ. Quản lý hoạt động xây dựng nhiều bất cập, gây bức xúc trong Nhân dân; quản lý đất đai nhiều yếu kém, vô kỷ luật. Chưa có giải pháp căn cơ trong xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt. Thiếu hạ tầng thiết yếu đô thị, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Trình độ, thái độ, trách nhiệm công vụ cán bộ các phòng, ban UBND thành phố chưa đáp ứng yêu cầu. 

Nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém, BCH Đảng bộ thành phố đánh giá: Kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều việc còn gắn với từ "chậm”: Triển khai thực hiện đầu tư và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp chậm; giải ngân kế hoạch đầu tư công chậm... Nguồn thu ngân sách khó khăn, nợ đọng thuế cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Hộ nghèo giảm nhưng vẫn còn hộ tái nghèo. Chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp chưa cao; vùng sản xuất hàng hóa thiếu bền vững, nhỏ lẻ, phân tán... 

Nhìn lại tổng thể quá trình phát triển, thách thức còn được thành phố xác định: Chiến lược phát triển KT-XH thiếu tính ổn định lâu dài, chưa phát huy cao độ nguồn nội lực. Nguyên nhân chủ quan là việc quán triệt, vận dụng, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách chưa sâu, chưa sát thực tế. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng; hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền; chất lượng hoạt động đoàn thể một số nơi hạn chế. Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao…

Tại các cuộc tiếp xúc với ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri cho rằng, TP Hòa Bình chưa thực sự có đột phá. Cử tri băn khoăn, kiến nghị về công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch, xây dựng đô thị văn minh. Hệ thống xử lý nước thải dở dang; rác chất đống như núi cả trên đường; họp chợ lấn đường; thiếu bãi đỗ xe, nhà văn hóa, công viên... Vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau thu hồi đất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trách nhiệm công vụ của cán bộ; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi tai - tệ nạn xã hội; phát sinh sau sáp nhập…

(Còn nữa)

 Cẩm Lệ