(HBĐT) - TP Hòa Bình đã đạt những thành tựu quan trọng trong tiến trình phát triển, nhưng trước nhiều thách thức đang đặt ra cần giải pháp đồng bộ để giải quyết, hướng tới đô thị hiện đại, văn minh, bản sắc, đáng sống, xứng tầm; phấn đấu trở thành đô thị loại II trước năm 2025.
Rõ định hướng, khát khao phát triển
Để đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ thành phố lần thứ II vào cuộc sống, Thành ủy xây dựng các nghị quyết chuyên đề "dẫn đường”. Ngày 20/4/2021 ban hành nghị quyết về xây dựng TP Hòa Bình theo các tiêu chí đô thị loại II, hoàn thành trước năm 2025. Xác định 5 giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng các tiêu chí còn thiếu. Trong đó, xác định TP Hòa Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, "định vị" thành phố trong quy hoạch vùng Thủ đô, vùng Tây Bắc. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; du lịch tập trung khai thác khu du lịch hồ Hòa Bình, phát triển dọc hai bờ sông Đà. Thu hút lực lượng lao động, tăng dân số cơ học và mở rộng không gian đô thị để đến năm 2025, quy mô dân số (gồm cả quy đổi) khoảng 250.000 người (dân số đô thị 200.000 người)...
Bí thư Thành ủy Ngô Ngọc Đức cho biết: Thành phố xác định rõ những việc trọng tâm. Trước hết, đẩy nhanh việc lập quy hoạch chung TP Hòa Bình sau sáp nhập có tầm nhìn, không phải phép cộng cơ học. Hướng đến đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, nơi đáng sống, đáng đến của người dân, du khách. Lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân về quy hoạch, tạo đồng thuận khi triển khai. Khi có "thiết kế” tốt, xây dựng đề án thực hiện theo lộ trình; xác định rõ đơn vị chủ trì, tiến độ, nguồn lực, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể. Quy hoạch lấy sông Đà là trung tâm, trục dọc đô thị theo đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, trục ngang là các đường và cầu qua sông, đường liên kết vùng Đà Bắc - TP Hòa Bình - Kim Bôi. Trên cơ sở đó, tìm nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị (hệ thống giao thông, cây xanh, công viên, bãi đỗ xe tĩnh...); hạ tầng xã hội (nhà tang lễ, rạp chiếu phim...) và quản lý theo quy hoạch. Kiên quyết không để phát sinh vi phạm về quản lý đất đai, đô thị, xây dựng. Sớm giải quyết các vi phạm nổi cộm; gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cán bộ lĩnh vực. Xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, tin cậy, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án SX-KD, tạo việc làm, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, tăng dân số. Hoàn thành các dự án dở dang: Hệ thống thoát nước, đường Hoàng Văn Thụ... Hoàn chỉnh hệ thống điện, nước, thu gom và xử lý nước thải đạt chuẩn; nâng công suất xử lý chất thải rắn; có khu xử lý chất thải công nghiệp. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công các dự án lớn: đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình (giai đoạn 2); cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu... Từng bước hoàn thành mạng lưới giao thông theo quy hoạch. Tập trung cao độ cho giải phóng mặt bằng (GPMB), coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Thành phố đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù về công tác cán bộ, nguồn vốn, GPMB, thu hút đầu tư, triển khai dự án để phát triển đô thị. Rà soát dự án chậm triển khai, thu hồi dự án không hiệu quả và chưa thực hiện để thu hút nhà đầu tư khác có năng lực, trách nhiệm. Tranh thủ các nguồn lực từ T.Ư, xã hội hóa, ODA để thực hiện dự án về hạ tầng.
Định hướng phát triển TP Hòa Bình, đồng chí Ngô Văn Tuấn, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhất trí phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, bản sắc, đáng sống; xác định là thành phố vệ tinh của Thủ đô, đô thị cửa ngõ vùng Tây Bắc. Quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật có tầm nhìn dài hạn, thông minh, hiện đại; phải xác định tiềm năng, lợi thế, điểm mạnh - yếu, khát khao phát triển. Sớm đưa công nghệ 4.0, hệ thống camera để quản lý đô thị. Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị để thành phố luôn "sáng - xanh - sạch - an toàn". Xây dựng bộ quy tắc ứng xử công dân đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện, thanh lịch, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp với du khách. BTV Thành ủy quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo. Quan tâm bồi dưỡng những cán bộ có tâm huyết, năng lực, trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chọn lọc, sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Bắt tay ngay từ đầu nhiệm kỳ
Theo Bí thư Thành ủy Ngô Ngọc Đức, khi đã xác định được định hướng đúng, có khát khao phát triển, cần nhanh chóng triển khai đồng bộ các pháp ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tiên quyết là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp theo hướng kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, vì dân; giải quyết nhanh chóng những vấn đề cấp bách trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; xây dựng MTTQ, các đoàn thể vững mạnh, hướng về cơ sở, tạo đồng thuận trong Nhân dân...
Bắt tay ngay từ đầu nhiệm kỳ, cùng với nghị quyết chuyên đề về nâng loại đô thị, Thành ủy đã ban hành nghị quyết về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, lãnh đạo quản lý các cấp trong công tác quản lý đô thị. Lần đầu tiên Thành ủy ban hành nghị quyết này và sẽ gắn với chế tài cụ thể, với nhận xét, đánh giá, xếp loại nghiêm túc. Thành ủy dự thảo chỉ thị về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị; nghị quyết chuyên đề về quản lý đất đai, GPMB, thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư, phát triển du lịch, văn hóa…
Chuyển động rõ nét là thành phố đã nghiêm túc chỉ đạo nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ. Đầu năm, UBND thành phố xây dựng chủ đề hành động năm, các trưởng phòng ký cam kết thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử, nếu hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) chậm, trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố gửi thư xin lỗi tổ chức, công dân và trưởng phòng liên quan phải chịu trách nhiệm; đây là căn cứ để đánh giá, xếp loại, xử lý, điều chuyển cán bộ.
Với "điểm nghẽn” GPMB, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình Bùi Quang Điệp cho biết: Thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phát huy vai trò Ban chỉ đạo GPMB thành phố; thành lập hội đồng GPMB với các dự án trọng điểm; lập tổ công tác xử lý các trường hợp sai phạm về đất đai, xây dựng. Chủ động phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án. Triển khai thực hiện nghị quyết, thành phố đã xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm, thí điểm tại phường Phương Lâm, Đồng Tiến; kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công trung hạn (2021-2025). Tập trung chỉnh trang, mở rộng đô thị gắn với bảo vệ môi trường, nguồn nước. Tăng cường đào tạo nghề theo địa chỉ; phối hợp doanh nghiệp trong sử dụng lao động sau thu hồi đất triển khai dự án. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, điều chuyển vốn với các dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp.
Tín hiệu vui là thành phố có thêm 2 xã được nâng cấp lên phường (phường Quỳnh Lâm, Trung Minh); đến nay có 12 phường, 7 xã; kế hoạch năm 2023 thành lập phường Mông Hóa. Chỉ số xếp hạng tổng thể mức độ chính quyền điện tử và số hồ sơ TTHC giải quyết mức độ 3, 4 nhất khối huyện, thành phố. Từ 29,3% TTHC giải quyết ở mức độ 3, 4 năm 2020, đến 6 tháng năm 2021 đột phá lên 76%, phấn đấu lên 80%. Ra mắt Hệ thống giám sát, phản ánh trực tuyến kiến nghị của người dân; thực hiện phòng họp trực tuyến đến xã, phường. Một số tập đoàn lớn, tiềm năng đã đến nghiên cứu, khảo sát, đề xuất triển khai dự án như Vingroup, FLC, Sungroup, T&T… Cấp ủy, chính quyền thành phố mong Nhân dân đồng lòng, chung sức xây dựng đô thị xứng tầm, đáng sống.
Cẩm Lệ