(HBĐT)- Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Chiến thắng Tu Vũ là cuộc tập dượt lớn của bộ đội ta chuẩn bị cho trận Điện Biên Phủ sau này. Nếu không có chiến dịch Hòa Bình thì sẽ không có chiến thắng ở Hồng Cúm, Him Lam, Độc Lập...

 

Bộ đội pháo binh ta đón đánh địch trên sông Đà trong trận Tu Vũ, mở màn Chiến dịch HòaBình. (ảnh TL)  

                                                          

Sau thất bại ở chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950, tiếp đó lại bị đánh mạnh ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã buộc quân Pháp lâm vào thế phòng ngự bị động. Trước tình hình đó, cuối tháng 10/1951, tướng Pháp là De Latre de Tassigny tuyên bố: Đã tới lúc giành lại chủ động trên chiến trường. Buộc Việt Minh phải tiếp nhận chiến đấu trên một địa hình do Pháp lựa chọn. Với quan điểm trên, bộ máy chiến tranh của Pháp ở Đông Dương đã thống nhất chọn Hòa Bình là địa bàn cần phải đánh chiếm. Bởi Pháp nhận định Hòa Bình có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với quân ta là một nút giao thông thủy - bộ nối liền Việt Bắc với đồng bằng và miền Trung. Cho dù biết rõ địa hình Hòa Bình có lợi cho ta, nhưng Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp lại cho rằng cần phải có miếng mồi ngon, thì Việt Minh mới chấp nhận trận đánh do mình sắp xếp. Ngoài ra, đánh chiếm Hòa Bình, quân Pháp sẽ cắt rời Việt Bắc với đồng bằng và miền Trung. Đồng thời, đây sẽ là tiền đề để Pháp tiến đánh vùng tự do Liên khu 4.  

Để thực hiện ý đồ đó, Pháp đã thực hiện cuộc hành binh Tulipe mở đầu bằng việc 12 tiểu đoàn bộ binh và 5 cụm pháo binh của Pháp bất ngờ đánh chiếm chợ Bến ngày 10/11/1951, nhằm cắt đường di chuyển của bộ đội ta từ Việt Bắc xuống đồng bằng. Tiếp đó, ngày 14/11/1951 Pháp đã sử dụng 16 tiểu đoàn, 8 cụm pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội xe tăng cùng với không quân tiến chiếm Hòa Bình mà không vấp phải bất kỳ một sự kháng cự nào. Chính điều này đã làm cho quân viễn chinh Pháp trở nên tự mãn cho rằng chúng đã chiếm đóng và chiến thắng ở Hòa Bình. Để sau đó, chính viên tướng De Latre de Tassigny huênh hoang cho rằng: Tiến công Hòa Bình, có nghĩa là chúng ta đã buộc đối phương phải xuất trận.  

Hòa Bình sẽ là chiếc cối xay thịt nghiền nát Việt Minh. Và để chuẩn bị “đón tiếp” bộ đội chủ lực của ta, ngay sau khi đổ quân chiếm đóng Hòa Bình, quân Pháp đã xây dựng hệ thống cứ điểm mạnh hình thành hai tuyến phòng ngự dọc đường 6 và dọc sông Đà. Trong đó, địch đã nhanh chóng cấu trúc hệ thống phòng ngự dã chiến gồm 28 cứ điểm lớn, nhỏ. ở mỗi cứ điểm được bố trí từ 1 đến 2 đại đội bộ binh. Những vị trí quan trọng, địch bố trí đến 3 đại đội bộ binh cùng sự hỗ trợ của xe tăng và pháo binh.  

Về phía ta, ngay sau khi nghe tin địch đánh chiếm Hòa Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ: Địch đã giành lại quyền chủ động. Đánh Hòa Bình, chúng đã mở rộng phạm vi chiếm đóng, giành được một vị trí chiến lược quan trọng, sẽ gây cho ta nhiều khó khăn, nhưng đây chính là cơ hội bằng vàng để ta tiêu diệt sinh lực địch.  

Trước tình hình đó, ngày 24/11/1951 Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch tấn công quân Pháp ở Hòa Bình và cho rằng đây là cơ hội rất tốt để ta tiêu diệt địch.  

Căn cứ vào thực tế bố trí cứ điểm phòng tuyến của địch ở Hòa Bình, ngày 01/12/1951, Tổng Quân ủy đã thông qua kế hoạch tác chiến. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ta quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ - Núi Chẹ, đồng thời đánh địch trên sông Đà, vừa triệt con đường tiếp tế chủ yếu của địch,  vừa mở rộng hành lang tiếp tế của ta từ hậu phương ra mặt trận.  

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952 với trận đánh mở màn ở cứ điểm Tu Vũ - Núi Chẹ. Đây là chiến dịch tiến công lớn nhất của quân ta tính từ khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến. Cuộc chiến chủ yếu diễn ra tại khu vực TX Hòa Bình, dọc tuyến sông Đà và trên tuyến đường 6.  

Trong những cuộc tiến công của ta, dù được pháo, máy bay và xe tăng yểm trợ, nhưng quân Pháp vẫn hoàn toàn bất lực trước một đội quân thua kém về số lượng và trang bị vũ khí. Tại đây, 3 đại đoàn chủ lực của ta đã trực tiếp đương đầu với lực lượng cơ động của địch lên xuống trong khoảng từ 13 đến 19 tiểu đoàn.  

Chưa khi nào trên chiến trường Đông Dương, Pháp lại tập trung một số lượng lớn quân với nhiều phương tiện chiến tranh lớn đến như vậy vào một trận đánh. Pháp cũng đã đưa tới đây những sỹ quan chỉ huy giỏi nhất và xây dựng các công trình phòng ngự kiên cố được hỗ trợ nhau bằng một hệ thống hỏa lực bảo vệ cực mạnh. Trong khi đó, về phía ta không có một công trình phòng ngự nào. Tuy vậy, qua 20 ngày chiến đấu (10 - 31/12/1951) ta đã tiêu diệt được một bộ phận lớn quân địch.  

Đường tiếp tế trên sông Đà của địch bị tê liệt. Đường số 6 luôn luôn bị cắt. Quân Pháp ở Hòa Bình đã hoàn toàn chuyển sang thế phòng ngự bị động. Mọi cố gắng của địch lúc này chỉ nhằm khai thông lại tuyến đường số 6 đã bị ta cắt đứt. Cả thị xã Hòa Bình ở thế bị bao vây. Để tránh những đòn tấn công bất ngờ của ta, Sở chỉ huy quân Pháp ở TX Hòa Bình do viên Đại tá Clemante cầm đầu phải chui xuống đất. Toàn bộ quân địch phải ăn ngủ dưới hầm trong điều kiện chật chội, hôi hám, thiếu thốn và bẩn thỉu.  

Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23/2/1952, địch buộc phải rút chạy, TX Hòa Bình được giải phóng. Trên đường rút chạy, địch bị bộ đội địa phương, du kích tiếp tục truy kích, chặn đánh gây những tổn thất nặng nề. Trong cuộc rút chạy này, quân Pháp đã phải dùng tới 30 nghìn quả đạn pháo để yểm trợ. Tuy vậy, cũng phải mất 2 ngày chúng mới vượt qua chặng đường 40 km từ TX Hòa Bình về Xuân Mai.  

Tổng kết chiến dịch, tại Hòa Bình ta đã tiêu diệt được trên 6.000 quân địch, phá hủy 156 xe cơ giới các loại, bắn chìm 17 tàu chiến, ca nô, phá hủy 12 khẩu đại bác... giải phóng vùng đất rộng trên 1 nghìn km2 với hơn 20 nghìn dân. Trong đó có những trận đánh điển hình như trận Cầu Dụ ngày 2/12/1951 chỉ trong vòng 20 phút ta đã tiêu diệt 34 xe cơ giới, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Ngày 7/2/1952 trận phục kích đánh địch ở Giang Mỗ ta tiêu diệt 200 tên địch, phá hủy 10 xe cơ giới, trong đó có cả xe tăng. Trong trận này, nổi lên là gương chiến đấu anh dũng của anh hùng Cù Chính Lan dùng lựu đạn tiêu diệt xe tăng địch; trận đánh địch tại Dốc Kẽm ngày 11/12/1951 ta đã tiêu diệt gần 2 trung đội địch và phá hủy 11 xe công binh...  

Khi nghiên cứu về chiến tranh của quân Pháp ở Đông Dương, nhà sử học Bernard Fall đã cho rằng: Chiến dịch Hòa Bình đối với quân Pháp cũng tổn thất về sinh mạng và trang bị nhiều không kém gì chiến dịch Biên giới và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.  

                                                       Theo An ninh Thủ đô 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh

Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh

Trong không khí phấn khởi mừng Xuân Đinh Dậu, mừng Đảng quang vinh vừa tròn 87 tuổi, sáng 9-2, tại Trung tâm Văn hóa 3-2, thành phố Nam Định, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9-2-1907/9-2-2017).

Đảng bộ Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII)

(HBĐT) - Đảng bộ Văn phòng UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH T.ư Đảng (khóa XII) tới toàn thể cán bộ, đảng viên cơ quan.

Huyện Lương Sơn đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống gắn với thực tiễn địa phương

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lương Sơn lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, VH-XH, QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh đến năm 2020…

Đảng bộ huyện Yên Thủy kết nạp 194 đảng viên mới

(HBĐT) - Năm 2016, Đảng bộ huyện Yên Thủy tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên. BTV Huyện ủy đã ra quyết định kết nạp 194 đảng viên mới, tăng 14 đảng viên so với chỉ tiêu Nghị quyết. Trong đó, 135 đồng chí là ĐV -TN, chiếm 71,4%; 90 đồng chí là phụ nữ, chiếm 48,0%; 12 ĐV -TN được kết nạp Đảng trước đi làm nghĩa vụ trong LLVT. Theo đó, Đảng bộ huyện có 4.973 đảng viên, trong đó có 4.789 đảng viên chính thức, 184 đảng viên dự bị.

Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hòa Bình năm 2017

(HBĐT) - Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với tình hình phát triển KT -XH của tỉnh năm 2017, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Kế hoạch số 10/KH-BCĐ thực hiện Chương trình phát triển thanh niên năm 2017. Kế hoạch đề ra nội dung thực hiện gồm 2 chương trình lớn. Cụ thể:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục