Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại Lễ phát động.
Đây là thông tin được bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại Lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”, diễn ra ngày 30/12, tại TP Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, đã 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay, ngành Y tế Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, tiệm cận thế giới với tỷ lệ sống cao, chi phí phù hợp. Trung bình mỗi năm, ngành thực hiện hơn 1.000 ca ghép tạng.
Tuy nhiên hiện nay, vấn đề khan hiếm nguồn tạng hiến đã gây trở ngại trong công tác này. Số lượng tạng hiến chủ yếu là từ người cho sống. Năm 2024, ngành ghi nhận có 39 người chết não hiến tạng - con số cao nhất từ trước đến nay song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và vẫn còn nhiều người bệnh không có tạng để ghép.
Trước khó khăn đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ lấy ngày 20/5 (ngay sau ngày Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng) là Ngày Hiến tạng quốc gia. Qua đó, Bộ phối hợp với các bộ, ban ngành tăng cường vận động hiến tạng thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức tôn giáo.
Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, lấy, hiến xác phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia triển khai hoạt động điều phối tạng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng. Các bệnh viện tăng cường truyền thông, vận động hiến tạng...
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, ghép tạng là thành tựu y học tiêu biểu của thế kỷ XX, giúp cứu sống nhiều người. Hiện, các quốc gia có số ca ghép tạng từ người chết não nhiều nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số nước châu Âu.
Dù đi sau thế giới nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khen ngợi, làm chủ được các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi…; đồng thời là nước có số ca ghép tạng cao nhất khu vực Đông Nam Á (hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm).
Tuy nhiên, số ca ghép tạng từ người cho sống chiếm phần lớn (khoảng 95%), chỉ có tỷ lệ rất ít ca ghép tạng từ người cho chết não. Nước ta là một trong những quốc gia có số lượng người chết não hiến tạng thấp nhất thế giới. Nguyên nhân là do công tác truyền thông, vận động hiến tạng còn hạn chế; nhiều người dân vẫn còn quan điểm “chết toàn thây”...
Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, phát biểu tại Lễ phát động.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi cộng đồng hiến tạng cứu người, cùng nhau tiếp tục gieo hy vọng, lan tỏa yêu thương và tạo nên những điều kỳ diệu bởi “mỗi sự sống được cứu là một món quà vô giá”.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu rõ, Thành phố sẽ chỉ đạo ngành Y tế địa phương, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều phối hiến tạng quốc gia để triển khai đồng bộ, hiệu quả, kịp thời việc tuyên truyền, vận động hiến, ghép tạng. Đồng thời, cam kết đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị để việc hiến, ghép tạng được thuận lợi. Thành phố sẽ nghiên cứu các chính sách, hình thức tôn vinh, kịp thời động viên tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc nhằm thúc đẩy, nhân rộng, tạo phong trào thi đua trong việc vận động, điều phối, thực hiện hiến, ghép tạng.
Tại buổi lễ, nhiều lãnh đạo, văn nghệ sĩ, người dân đã đăng ký hiến tạng.
Chú thích ảnh
Nhiều văn, nghệ sĩ hưởng ứng đăng ký hiến tạng.
Dịp này, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương, Giấy khen cho Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VietnamAirline), Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ việc vận chuyển mô, tạng thời gian qua.
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ lấy ngày 20/5 hằng năm là Ngày Hiến tạng quốc gia, nhằm tôn vinh nghĩa cử cứu người, đồng thời kêu gọi cộng đồng hiến tặng mô, tạng sau khi chết não.