(HBĐT) - Vào tháng tư này, trở lại thăm quan nhà tù Phú Quốc (Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/ Phú Quốc - tên gọi trước đây) tại xã An Thới (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), bỗng cảm nhận thêm nhiều ý nghĩa. Khắp nơi trên đảo, tràn ngập cờ hoa và không khí hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017).
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình thăm quan, thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng tại Nhà tù Phú Quốc (tháng 4/2017).
Anh Huỳnh Chí Tâm, một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ rằng: “Đoàn khách nào đến Phú Quốc cũng đều đến thăm quan di tích quốc gia đặc biệt này. Ngày thường chừng gần 1.000 người, có ngày cao điểm, lượng khách lên đến 2.000 người”. Hôm nay, có khá đông du khách hành hương và thắp hương tại di tích lịch sử này. Cùng với đoàn của Bồ Đào Nha, Nga… là du khách các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và có các bác là cán bộ cơ sở thuộc Đảng bộ phường Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình). Ai cũng xúc động khi được nghe, được nhìn những hình ảnh (dù là mô phỏng) cùng nhiều hiện vật chất chứa lịch sử đau thương, mất mát và rất đỗi tự hào của các chiến sĩ cách mạng từng bị tù đày, tra tấn ở địa ngục này…
Chị Trần Thị Hồng Giàu không khỏi xúc động: Tôi có quãng 10 năm là hướng dẫn viên điểm di tích lịch sử quốc gia này nhưng mỗi lần cất lời giới thiệu đều trào dâng nỗi xúc động khôn tả. Có lần, cả người nghe, người giới thiệu đều nghẹn ngào, nhất là khi được gặp, được chia sẻ với vợ, con, em của nhiều liệt sĩ từng là tù binh bị địch giam cầm, đánh đập đến chết tại nơi này”… Trại giam tù binh Phú Quốc hoạt động từ năm 1967 - 1973; được xây dựng, mở mang từ một trại giam do thực dân Pháp xây dựng trước đây. Chính quyền Sài Gòn xây dựng lại Nhà lao Cây Dừa hay còn gọi nhà tù Phú Quốc với quy mô lớn nhất miền Nam tại thời điểm đó: diện tích trại giam 400 ha, phân chia thành 12 khu (500 căn nhà trại giam). Xung quanh nhà lao là trùng trùng 10-15 hàng rào bằng kẽm gai ken cứng với hệ thống đèn chiếu sáng cùng lực lượng cai quản đến hàng nghìn người. Nơi đây, có thời điểm cao nhất giam giữ hơn 40.000 người. Cũng đã có trên 4000 người đã bị địch sát hại.
“Địa ngục trần gian” mà chúng dựng lên nhằm làm nhụt đi ý chí, tinh thần của các chiến sĩ cách mạng. Có khoảng 21 hình thức tra tấn tù binh. Không chỉ là những đòn roi thông thường mà đó là những màn tra tấn như thời trung cổ; khiến báo giới và dư luận thế giới những năm đó lên án như: nhốt các tù binh vào chuồng cọp kẽm gai, trong thùng “công-ten-nơ” giữa trời nắng nóng trong điều kiện chen chúc, đau đớn về thể xác vì gai cào, máu chảy, đói khát, rét mướt rồi màn đóng đinh 10 cm lên bất cứ phần nào của cơ thể người tù (mà sau này, khi bốc mộ cho các liệt sĩ tù binh Phú Quốc tại một mồ chôn tập thể đã gom được 238 chiếc đinh từ 130 hài cốt được tìm thấy); đập, đục bể răng, nện chày gỗ lên đầu, lên ngực hay những cảnh rùng rợn khác như đốt cháy từng phần cơ thể, cho tù binh vào tải rồi dìm vào chảo nước sôi khiến họ chết dần trong đau đớn; bị kẹp vào giữa 2 tấm ván, xiết đinh rồi giận lên, đánh bằng roi cá đuối… Câu chuyện người chiến sĩ 18 tuổi quê Cà Mau bị giết chết trên giàn hỏa cùng những lời nói cuối cùng khiến không ai có thể kìm lòng được. Cùng những lời chửi rủa thẳng vào mặt kẻ địch, là tiếng gọi “ba ơi, má ơi” tha thiết của anh trước khi trút hơi thở cuối cùng… Mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh, mỗi cái tên cựu tử tù (nay người còn, người mất) đều neo trong lòng mỗi người bao cung bậc tình cảm khi đến nơi đây. Các bác Nguyễn Đình Xô (Bắc Ninh), Đặng Văn Bê (Tiền Giang), Nguyễn Trọng Lượng (Thanh Hóa), bác Trần Long, Nguyễn Văn Ni, Đặng Hồng Sơn, Lê Xuân Cát… từng chịu đựng những cực hình đó để từ đó càng thêm nung nấu ý chí, quyết tâm, góp sức mình vào sự nghiệp cách mạng.
Nhà tù Phú Quốc là bằng chứng tố cáo tội ác dã man tột cùng của thực dân, đế quốc nhưng đồng thời cũng là lời khẳng định tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. âm mưu thâm độc của kẻ địch là tiêu diệt tinh thần của người chiến sĩ ngay từ lúc bị bắt đến suốt thời kỳ bị tù đày, tra tấn. Nhưng từ trong địa ngục này vẫn bừng sáng lên tinh thần, ý chí quật cường: họ vẫn một lòng, một dạ hướng về Tổ quốc và nhân dân; tổ chức, đoàn kết cùng tuyệt thực để đấu tranh chống đàn áp, tra tấn; học văn hóa, sinh hoạt văn nghệ để nuôi dưỡng đời sống tinh thần; làm đồ thủ công, binh vận và tấn công, phản kháng trực diện, tiêu diệt ác ôn, tìm cách vượt ngục… Trong đó, câu chuyện tổ chức vượt ngục thể hiện rõ nhất tinh thần dũng cảm, mưu trí và kiên cường của các chiến sĩ cách mạng nơi đây. Tại trại giam số 13, vào tháng 6/1968, kế hoạch đào hầm vượt ngục của nhóm tù được triển khai, thực hiện. Để có thể thành công là cả một sự kỳ công của biết bao công đoạn (dò hướng, tìm kiếm dụng cụ đào, khoét, nghĩ cách phân tán số đất được moi lên, cắt cử các nhóm tham gia và nhất là đánh lừa, che mắt kẻ địch… Sau 6 tháng ròng rã, cuối cùng đường hầm dài 120 m, rộng khoảng 60 cm đã hình thành. Đường hầm này đã giúp 21 chiến sĩ cách mạng thoát ngục vào sáng 21/1/1969…
Những hình ảnh, câu chuyện tại nhà tù Phú Quốc đều gợi lên trong lòng mỗi du khách sự xót thương, cảm phục, cùng cảm nhận giá trị lớn lao của độc lập, tự do hôm nay. Mỗi năm, hàng vạn lượt du khách đã hành hương đến Phú Quốc. Họ đến không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp tuyệt vời của đảo Ngọc mà đến đây, đi những bước chân thật nhẹ, thắp hương, thành kính và ngưỡng vọng về một giai đoạn lịch sử, một câu chuyện lịch sử cách mạng. Nơi đây, dù bị kẻ thù đàn áp, tra tấn dã man, những người chiến sĩ cách mạng vẫn kiên trung, bất khuất. Tinh thần đó đã cháy và vẫn cháy, lan tỏa khắp mọi miền đất nước; góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để chúng ta cùng làm nên ngày 30/4 lịch sử. Mãi mãi, di tích quốc gia đặc biệt - trại giam Phú Quốc (được Nhà nước xếp hạng vào tháng 12/2014) là “địa chỉ đỏ” cần đến cho bao thế hệ.
Bùi Huy
(HBĐT)- Với mỗi người dân Việt Nam, chiến thắng 30/4 cùng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son lịch sử trọng đại. Đó là ngày đất nước sạch bóng thù xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải; chung tay xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
LTS - Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 và triển khai Tháng công nhân, Tháng vệ sinh an toàn lao động năm 2017, phóng viên Báo Hòa Bình phỏng vấn đồng chí Bùi Tiến Lực, TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh về vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, lao động (CNLĐ).
(HBĐT) - Cách đây 42 năm, với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui.
(HBĐT) - Nếu ai đã đến trung tâm Sài Gòn, hãy một lần ghé thăm dinh Độc Lập hay còn gọi là dinh Thống Nhất, một công trình tọa lạc trên mảnh đất rộng 15ha ngay giữa trung tâm thành phố. Công trình in đậm dấu ấn thời gian và lịch sử nhưng cũng rất nên thơ và lãng mạn….
(HBĐT) - Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Lạc Thủy. Khai trương chợ trung tâm huyện Lương Sơn. Hội thảo giới thiệu Công ty CP Du lịch huyện Đà Bắc. UBND tỉnh làm việc với huyện Mai Châu về công tác phát triển du lịch. Thẩm định dự án khởi nghiệp của Đoàn viên thanh niên. Đại hội Đoàn thanh niên huyện Kỳ Sơn.
(HBĐT) - Ngày 28/4, tại Sở VH – TT&DL, Ban Văn hóa- Xã hội (HĐND tỉnh) đã khảo sát tình hình thực hiện Luật Thể dục, Thể thao trên địa bàn. Dự cuộc khảo sát có đồng chí Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa- xã hội (HĐND tỉnh) chủ trì hội nghị.