(HBĐT) - Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo là một trong những phong trào thiết thực, ý nghĩa được Hội CCB huyện Lương Sơn quan tâm đẩy mạnh. Từ phong trào này, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Được sự giới thiệu của Hội CCB huyện Lương Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình các hội viên tiêu biểu làm kinh tế giỏi tại xã Trường Sơn và xã Cao Răm. CCB Đinh Công Lực ở xóm Suối Bu, xã Trường Sơn phát triển kinh tế gia đình, làm giàu từ chăn nuôi trâu và trồng rừng. Từ chỗ phải vay vốn 15 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để mua một cặp trâu, đến nay, gia đình ông Lực đã phát triển đàn trâu lên 14 con. Cùng với đó, gia đình ông trồng trên 9 ha rừng và nuôi gà. Đến nay, gia đình ông đã tích luỹ được số vốn trên 300 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi, làm lại nhà mới.
Đối với CCB Nguyễn Đắc Hùng, xóm Lâm Trường, xã Trường Sơn, ông và gia đình mạnh dạn chuyển từ trồng chè sang trồng bưởi da xanh. Trên diện tích 1 ha, ông trồng từ 50 gốc bưởi lên trên 200 gốc. Với sự cần cù, ham học hỏi, những gốc bưởi của gia đình ông được chăm sóc cẩn thận, sai quả, chất lượng, được khách hàng gần xa đến tận nơi thu mua. Trung bình mỗi năm thu nhập từ bưởi của gia đình ông đạt trên 100 triệu đồng.
CCB Lưu Công Khanh, xóm Vai Đào, xã Cao Răm nhiều năm nay được biết đến với mô hình trồng nhãn và nuôi cá. Với trên 3.000 m2 đất trồng nhãn từ năm 1993, hàng năm, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện gia đình ông trồng thêm nhãn trên 2.000 m2 và nuôi cá trong diện tích ao 1.000 m2. Các sản phẩm của gia đình ông không lo đầu ra…
Đồng chí Nguyễn Văn Yên, Chủ tịch Hội CCB huyện Lương Sơn cho biết: Hội CCB huyện hiện có trên 6.370 hội viên, sinh hoạt ở 25 cơ sở Hội. Những năm qua, phong trào CCB thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo được các cấp Hội và hội viên hưởng ứng tích cực. Các cấp Hội đã có những biện pháp cụ thể tập trung chỉ đạo hội viên đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Dựa trên lợi thế của từng nơi, Hội CCB tại các xã đã khuyến khích gia đình hội viên phát huy thế mạnh để phát triển cây trồng, chăn nuôi gia súc, sử dụng triệt để diện tích đất trống, không để đất bị hoang hóa. Vận động hội viên thay đổi tư duy, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KH-KT vào sản xuất và thực hiện các mô hình sản xuất mới.
Hội đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KH-KT, tạo điều kiện cho hội viên thăm quan các mô hình kinh tế hiệu quả để học hỏi. Hội đứng ra tín chấp giúp hội viên vay vốn từ nguồn của Trung ương Hội, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH để hỗ trợ phát triển sản xuất, mua giống vật nuôi... Đến hết năm 2016, Hội đã thành lập được 58 tổ tiết kiệm vay vốn với 2.165 hộ vay, tổng dư nợ đạt trên 45,8 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi gia súc, kinh tế trang trại... Hiện, toàn huyện có 26 trang trại, gia trại do hội viên CCB làm chủ; 1 tổ hợp tác, 5 doanh nghiệp sản xuất TTCN, vật liệu xây dựng... đã tạo việc làm cho hàng trăm con em CCB và nhân dân địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ hộ Hội CCB có kinh tế khá, giàu chiếm 61,17%; hộ hội viên nghèo 1,93%, cận nghèo 1,84%.
Ngoài ra, Hội còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau bằng việc xây dựng quỹ Hội, giải quyết luân phiên hội viên vay vốn sản xuất, giúp nhau không tính lãi. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên đã từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Năm 2016, Hội CCB huyện xây dựng quỹ đạt trên 851 triệu đồng. Hội CCB các cơ sở cũng đã hùn vốn giúp nhau được trên 1,25 tỷ đồng cho 567 lượt hội viên vay không lấy lãi, giúp đỡ 1.116 công lao động. Hội CCB huyện xây dựng quỹ "nghĩa tình đồng đội” (năm 2016 đã hỗ trợ ủng hộ xây dựng 2 "nhà nghĩa tình đồng đội” cho hội viên CCB khó khăn về nhà ở)....
H.D
(HBĐT) - Tính đến trung tuần tháng 5/2017, 100% xã, phường trên địa bàn TP Hòa Bình hoàn thành tổ chức Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra.