Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đã đi vào hoạt động ổn định, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Phần lớn các chỉ số thành phần của tỉnh đều thấp hơn mức trung bình của cả nước. Các chỉ số: Chi phí thời gian, chính sách đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý còn yếu kém. Thời gian doanh nghiệp làm các thủ tục để đi vào hoạt động kéo dài. Doanh nghiệp gặp khó khăn làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp cận các thông tin về kế hoạch, quy hoạch. Chất lượng đào tạo lao động chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Việc hiện thực hóa chủ trương của lãnh đạo tỉnh đến thực hiện của các sở, ngành và chính quyền cơ sở chưa đạt hiệu quả cao.
Nhằm khắc phục những yếu kém nêu trên, năm 2017, UBND tỉnh đã đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, chú trọng tới tính hiệu quả thực chất, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó đã ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 28/2/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2017, định hướng đến năm 2020 với những mục tiêu cụ thể như: rút ngắn thời gian đăng ký cấp giấp phép kinh doanh, giấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm định thiết kế cơ sở các dự án, hỗ trợ các dự án có quy mô lớn; hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ PCI, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đến năm 2020. Đồng thời thành lập các Tổ công tác giám sát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo hướng xác định rõ thời gian giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện Quyết định 225/QĐ-UBND cải thiện các chỉ số PCI thành phần như chi phí không chính thức, chi phí thời gian, chỉ số gia nhập thị trường, đào tạo lao động…
UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc đối thoại theo chuyên đề lĩnh vực và nhiều cuộc đối thoại riêng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các sở, ngành cũng tích cực gặp gỡ, đối thoại nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến thủ tục hành chính, lĩnh vực tài nguyên - môi trường, xây dựng, nhà ở công nhân…đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo giải quyết.
Đặc biệt, đối với các dự án quan trọng, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, thực hiện một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai dự án. Năm 2017, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công tỉnh và các huyện, xây dựng cơ chế giám sát, đôn đốc việc giải quyết cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền đồng hành hỗ trợ, doanh nghiệp và người dân…Công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm thực hiện theo đúng quy định, thực hiện thanh tra bảo đảm không trùng lắp, không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT -XH, ngành, lĩnh vực được công khai để doanh nghiệp và người dân tiếp cận.
Qua kiểm tra cũng cho thấy những vấn đề yếu kém như giải phóng mặt bằng còn vướng mắc; hạ tầng phát triển công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chất lượng cấp điện chưa ổn định…Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong giải quyết các vấn đề cụ thể còn hạn chế. Việc hiện thực các chủ trương của lãnh đạo tỉnh chưa kịp thời, có nơi chậm thực hiện…
Năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc, giám sát các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Quyết định số 255/QĐ-UBND với những giải pháp trọng tâm như: Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh và các Trung tâm Hành chính cấp huyện. Nâng cao hiệu quả phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, phấn đấu thời gian giải quyết ít nhất 30% so với quy định. Công khai đầy đủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận, tìm hiểu các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT -XH, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch đất đai, xây dựng, đô thị... Công khai trình tự thủ tục, mẫu hóa tất cả các văn bản và cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp. Thực hiện nguyên tắc chỉ yêu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư bổ sung hoàn chỉnh, sửa chữa hồ sơ một lần, không yêu cầu thêm các loại giấy tờ pháp luật không quy định. Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư 2 lần /năm và nhiều cuộc tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp sớm triển khai và đưa các dự án đầu tư đi vào sản xuất, kinh hiệu quả. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hợp lý (không quá 1 lầnk /năm) bảo đảm không chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, cầu đường, bến cảng, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các dự án đầu tư, xử lý các dự án không triển khai, kiên quyết thay thế nhà đầu tư kém năng lực. Thực hiện cơ chế kiểm soát trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, phấn đấu cải thiện, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.