64 năm trước, trên đại ngàn Tây Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, làm "chấn động địa cầu”, dựng lên một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.


Ngày 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castrie, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu


1. Năm 1953, sau 8 năm tiến hành trở lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, dù đã huy động nhiều tiềm lực kinh tế, quân sự nhưng thực dân Pháp vẫn không thực hiện được mục đích đề ra. Ngược lại, Pháp phải chịu thất bại nặng nề: Bị thiệt hại 390.000 quân, vùng chiếm đóng bị thu hẹp, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng ngày càng sâu sắc... Lợi dụng tình thế khó khăn này, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào Đông Dương, tích cực viện trợ cho Pháp kéo dài và mở rộng cuộc chiến nhằm phục vụ chiến lược toàn cầu của Mỹ. 

Kế hoạch quân sự Nava (Navarre) được Mỹ thông qua (tháng 7-1953) nằm trong toan tính đó, mà nội dung cơ bản là tập trung xây dựng khối chủ lực mạnh, có khả năng cơ động cao, mở cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định. Thực hiện kế hoạch quân sự mới đề ra, thực dân Pháp mở nhiều cuộc hành quân càn quét bình định, bắt lính; đồng thời tăng cường nhiều đơn vị quân đội vào Đông Dương. Chỉ sau một thời gian ngắn, trên chiến trường Đông Dương, địch đã củng cố, xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở Đồng bằng Bắc bộ.

Trước âm mưu và hành động của địch, bước vào chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: Tập trung lực lượng mở nhiều cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đẩy mạnh hoạt động làm phá sản kế hoạch Nava.

Thực hiện chủ trương chiến lược đã đề ra, quân và dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng với quân dân hai nước bạn Lào, Campuchia mở các cuộc tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương (Tây Bắc, Tây Nguyên, Thượng Lào, Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia…) buộc Pháp phải phân tán lực lượng đối phó. 

Đặc biệt, tại mặt trận Tây Bắc, trước sự tiến công của quân ta, Nava - Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp quyết định điều quân xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, với mong muốn thu hút chủ lực của ta để thực hiện một trận đánh quyết định. 

Đến đầu tháng 3-1954, quân địch tập trung tại Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, gồm những đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, xe tăng, không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương; được bố trí thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu. Cả Pháp và Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là "pháo đài không thể công phá”, thách thức đối phương tiến công.

Về phía ta, sau khi phân tích kỹ tình hình, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã quyết tâm mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ - đòn quyết chiến chiến lược nhằm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước đã dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng chiến đấu gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. 

Trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận dưới bom đạn địch. Trong một thời gian ngắn, hàng nghìn kilômét đường được xây dựng, sửa chữa. Công tác chuẩn bị các mặt của ta vượt ra ngoài mọi dự đoán, tạo bất ngờ lớn đối với cả Pháp và Mỹ.

Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch. Phối hợp chặt chẽ với quân dân Tây Bắc, trên khắp các chiến trường cả nước, quân và dân các địa phương đẩy mạnh hoạt động tiến công nhằm tiêu hao, tiêu diệt, giam chân địch. Sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, "gan không núng, chí không mòn”, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castrie, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược trên miền rừng núi Tây Bắc của Tổ quốc, đập tan những cố gắng quân sự cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất.

2. Với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ 9 năm (1945-1954). Cũng từ đây, "tiếng sấm Điện Biên Phủ” có sức cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc xâm lược, đồng thời góp phần làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công.

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng; từ tinh thần yêu nước nồng nàn và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam được kế thừa, phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng đó bắt nguồn từ tình đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự đồng tình, ủng hộ từ bè bạn quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp. 

Nhưng nguồn gốc sâu xa nhất chính là từ tình yêu quê hương đất nước, là khát vọng độc lập, tự do đến cháy bỏng trong mỗi con dân đất Việt. Đó cũng là nhân tố nền tảng tạo nên sự đồng thuận rộng lớn, vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức sống mãnh liệt và sức mạnh to lớn để dân tộc Việt Nam vượt qua bao thăng trầm lịch sử, mà chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những minh chứng hùng hồn trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học - kinh nghiệm rất quý báu. Đó là: Giữ vững và tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; thực hiện tốt tư tưởng "dân là gốc”, biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Đó còn là việc phát huy thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực để sẵn sàng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ.

Cùng với đó là không ngừng chăm lo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giai cấp công - nông làm nền tảng, tích cực đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xây dựng tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đều hướng đến mục tiêu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Những bài học kinh nghiệm trên vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

                        TheoHanoimoi

Các tin khác


Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng đường kết nối đường Hồ Chí Minh, QL 12 B đi QL 1

(HBĐT) - Ngày 04/5, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc về công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng công trình đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12B đi Quốc lộ 1. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo các sở: GTVT, TN&MT, KH&ĐT, NN&PTNT, UBND huyện Yên Thủy và Lạc Sơn.

Hội thảo khoa học quốc tế nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác

Sự ra đời của chủ nghĩa Mác và sau này là chủ nghĩa Mác-Lê Nin đã chấm dứt thời kỳ "mò mẫm như trong đêm tối” của hàng triệu nhân dân lao động.

Cần Thơ: Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Phong Điền

Sáng 4/5, tiếp tục chương trình làm việc tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ.

Huyện Lạc Sơn tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ

(HBĐT) - "Xác định rõ ý nghĩa quan trọng của việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị T.ư 6 (khóa XII) trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, thời gian vừa qua, Huyện ủy Lạc Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Theo đó, công tác tuyên truyền các Nghị quyết được đẩy mạnh. BTV Huyện ủy thống nhất việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị của huyện. Việc thực hiện nhất thể hóa một số chức danh và thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định, hướng dẫn của cấp trên, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, đáp ứng yều cầu cả trước mắt và lâu dài. Qua đó tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của CB,ĐV,CC,VC về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ”. Đó là đánh giá của Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn Bùi Văn Hành về kết quả bước đầu của Đảng bộ huyện trong triển khai thực hiện NQ T.ư 6 (khóa XII).

"Xử lý cán bộ tham nhũng không có vùng cấm, kể cả ủy viên Bộ Chính trị"

Chiều nay, Đoàn đại biểu QH TP Cần Thơ do Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng.

Ban Dân tộc gặp mặt kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống (3/5/1946 – 3/5/2018)

(HBĐT) - Ngày 3/5, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 72 năm ngày Truyền thống cơ quan QLNN về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946 – 3/5/2018); 15 năm thành lập Ban Dân tộc tỉnh. Dự buổi gặp mặt có các đồng chí nguyên là lãnh đạo ngành dân tộc qua các thời kỳ, phòng Dân tộc các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục