Bài 2: Tôn trọng ý kiến nhân dân và giải quyết thỏa đáng nguyện vọng người dân
(HBĐT) - Phiếu xin ý kiến được gửi đến từng hộ dân, đảm bảo 100% người dân đều được tham gia ý kiến vào việc sắp xếp đơn vị hành chính. Những nguyện vọng chính đáng của người dân đang từng bước được giải quyết thấu đáo. Đó là những đổi mới tích cực, rất đáng ghi nhận trong việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Công an thành phố Hòa Bình làm thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân lưu động cho người dân do thay đổi địa giới hành chính tại phường Thái Bình.
Tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân
Thực tế việc triển khai thực hiện nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố đã xảy ra vướng mắc là tại nhiều địa phương số lượng cử tri đại diện hộ gia đình đến dự các cuộc họp, bỏ phiếu lấy ý kiến không đủ 50% số hộ thuộc khu, xóm, tổ dân phố; tỷ lệ đồng thuận không đạt trên 50% theo quy định dẫn đến việc phải tiến hành bỏ phiếu lấy ý kiến lần 2, lần 3. Rút kinh nghiệm từ hạn chế này, việc lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện được thực hiện bằng việc phát phiếu lấy ý kiến.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Sỹ, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Yên Thủy khẳng định: Chúng tôi đã phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức lên danh sách cử tri trên 18 tuổi có đủ năng lực, hành vi dân sự để tiến hành phát phiếu lấy ý kiến. Sau đó, các xóm, khu phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ. Trong phiếu có nội dung cụ thể về phương án sắp xếp, tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Người dân sẽ có thời gian để nghiên cứu, cân nhắc, quyết định. Toàn huyện tiến hành bỏ phiếu vào ngày 16/6/2019, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu, công khai kết quả kiểm phiếu diễn ra nghiêm túc, công khai, thể hiện sự tôn trọng ý kiến, quan điểm của người dân. Nhờ cách làm phù hợp này mà tỷ lệ người dân đồng thuận khá cao, cao nhất là thị trấn Hàng Trạm 99,34%, thấp nhấp là xã Lạc Hưng cũng đạt 83,36%.
Cách làm này cũng được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh và nhận được sự tán đồng, hưởng ứng của đông đảo người dân. Nhờ vậy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã diễn ra đảm bảo tiến độ. Vấn đề đặt ra hiện nay là sau khi người dân đồng thuận, chính quyền các cấp tiến hành các bước tiếp theo sẽ dẫn đến việc khoảng 1/3 dân số trên địa bàn toàn tỉnh thay đổi địa chỉ nơi cư trú. Như vậy, người dân phải điều chỉnh lại thông tin nơi cư trú trên sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và nhiều giấy tờ liên quan.
Băn khoăn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khang, khu 2, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) cho biết: Sau khi nhập khu, địa chỉ cư trú của gia đình tôi có sự thay đổi từ khu 5 sang khu 2. Do đó, khi đi làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ, tôi phải đi điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu, sau đó đi làm thủ tục cấp đổi CMND theo địa chỉ mới, rồi mất 30 ngày làm việc (tương đương 1 tháng rưỡi – PV) để làm thủ tục đính chính địa chỉ nơi cư trú trong GCNQSDĐ. Tất cả mất gần 2 tháng trời chỉ để thay đổi được địa chỉ cư trú sau sáp nhập khu trên GCNQSDĐ, sau đó mới bắt đầu thực hiện các thủ tục sang tên chuyển nhượng. Sắp tới, khi có quyết định chính thức về việc nhập xã, rồi lại nhập huyện thì sẽ tiếp tục mất công đi sửa, điều chỉnh giấy tờ. Tôi thấy như thế là khá mất thời gian cho người dân.
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, thủ tục hành chính hiện nay chưa thực sự đơn giản, gọn nhẹ; nhiều người dân trong tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng cao, sâu, xa hiểu biết về thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế. Thực tế này đã và đang có nhiều tác động, gây xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, nhất là gây chậm trễ, tắc nghẽn các giao dịch của người dân.
Cần nhân rộng cách làm tiên phong, hiệu quả của thành phố Hòa Bình
Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân sau nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố và sắp tới là sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện, TP Hòa Bình là địa phương đi đầu, tiên phong trong việc giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng cho người dân sau sáp nhập.
Trao đổi về vấn đề này, thượng tá Đoàn Văn Thành, Phó trưởng Công an TP Hòa Bình cho biết: Sau khi sáp nhập, chúng tôi nhận thấy nhu cầu điều chỉnh địa chỉ cư trú trên giấy tờ tùy thân của người dân, bao gồm CMND và sổ hộ khẩu là rất lớn. Nếu để bà con tự đi làm nhỏ lẻ sẽ mất công, vất vả cho người dân. Do đó, Công an thành phố đã tổ chức việc đính chính sổ hộ khẩu, cấp đổi CMND cho người dân theo hình thức tập trung. Hình thức triển khai là Công an phường phối hợp với các tổ dân phố thông báo trên hệ thống loa phát thanh và trực tiếp đi thu sổ hộ khẩu, sau đó nộp về Công an thành phố để tiến hành điều chỉnh. Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 4/2019, Công an thành phố giao cho Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, chi đoàn thanh niên trực tiếp xuống xã, phường để thực hiện việc cấp đổi sổ hộ khẩu, CMND lưu động. Thời gian hè vừa qua vào kỳ tuyển sinh nên khi thu sổ hộ khẩu của bà con để điều chỉnh, với những hộ có đề xuất cần có sổ hộ khẩu gấp thì chúng tôi đều linh động, để riêng, ưu tiên làm trước để trả kịp thời cho bà con.
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm ngày 15/9/2019, Công an thành phố đã điều chỉnh và cấp đổi 10.187 sổ hộ khẩu do thay đổi địa chỉ cư trú do sáp nhập, như vậy, khoảng 95% số hộ trên địa bàn thành phố thay đổi địa chỉ cư trú do sáp nhập đã được đính chính thông tin trên sổ hộ khẩu. Sau khi cơ bản hoàn thành việc đính chính thông tin, Công an thành phố đang tập trung thực hiện bước tiếp theo là cấp đổi CMND cho người dân theo địa chỉ cư trú mới. Về vấn đề này, đồng chí Phó trưởng Công an thành phố cho biết: Cấp đổi CMND liên quan đến việc lấy vân tay, do đó yêu cầu bắt buộc là người dân phải trực tiếp đi làm. Để tạo thuận lợi cho bà con, ngoài việc đến làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan Công an, Công an thành phố đã tổ chức các đợt cấp đổi CMND lưu động cho người dân tại xã Yên Mông, các phường Tân Hòa, Chăm Mát, Thái Bình… Trong quá trình làm thủ tục cấp đổi CMND tiếp tục tiến hành cấp đổi, đính chính sổ hộ khẩu cho những hộ còn sót lại, chưa đính chính. Theo kế hoạch, tại mỗi xã, phường, Công an thành phố sẽ tiến hành từ 2 – 3 đợt cấp đổi CMND lưu động để rà soát, đáp ứng hết nhu cầu cho người dân. Quan điểm xuyên suốt là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cố gắng giải quyết trước thời hạn càng sớm càng tốt và tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện là một nhiệm vụ chính trị lớn của tỉnh, được xác định sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc, nhưng nhờ sự đồng thuận của người dân, đến thời điểm hiện tại đã đi được một nửa chặng đường suôn sẻ. Điều này đã một lần nữa minh chứng cho lời dạy của Bác Hồ "khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trên nửa chặng đường còn lại, yêu cầu đặt ra là cần phải giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý những phát sinh liên quan đến cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho cán bộ… và nhất là các nguyện vọng chính đáng của người dân.
Thúy Hằng - Dương Liễu
Bài 1: Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện
(HBĐT) - Quy mô tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh không đồng đều, nhiều đơn vị quá nhỏ so với tiêu chuẩn hiện hành và thấp hơn nhiều so với mức trung bình chung trong khu vực, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh chỉ bằng 46% bình quân chung của cả nước. Theo tổng hợp, cứ 185 người dân có 1 người là cán bộ, công chức cấp xã, cao gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước. Những con số "biết nói” này cho thấy việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Tuy nhiên, đợt "tổng sắp xếp” này sẽ cần sự đồng thuận của khoảng gần 1/3 dân số toàn tỉnh. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, sự công tâm, minh bạch và lắng nghe, tiếp thu tích cực trong quá trình triển khai và đặc biệt là giải quyết thỏa đáng các vấn đề phát sinh sau sắp xếp, có như vậy "ý Đảng mới hợp lòng dân”.
(HBĐT) - Chiều 24/9, tại Văn phòng UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác UBND tỉnh Sơn La bàn về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La).
(HBĐT) - Ngày 24/9, tại xã Tân Pheo, Đoàn ĐBQH tỉnh gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri 4 xã Tân Pheo, Tân Minh, Đoàn Kết, Trung Thành (Đà Bắc) trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
(HBĐT) - Ngày 24/9, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) giai đoạn 2009-2019. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện Quân khu Ba, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh.
(HBĐT) - Việc thực thiện Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước (DNNNN) trên địa bàn huyện Tân Lạc chưa thực sự hiệu quả. Công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong khu vực DNNNN tại huyện khó khăn. Trên địa bàn huyện chưa thành lập được tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, mới có 3 tổ chức Công đoàn, nhưng chưa thể hiện vai trò trong doanh nghiệp.
Tối 22-9, theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh), Đại tá phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy - phi công từng bắn rơi bảy máy bay Mỹ trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đã qua đời vào lúc 21 giờ cùng ngày, hưởng thọ 84 tuổi.