Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng, việc sắp xếp, cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ dễ dàng. Do đó, Chính phủ xác định phải làm từng bước, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật, nhưng đồng thời phải bảo đảm hợp tình, hợp lý.



Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tham gia giải trình tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều ngày 7-11.

Chiều 7-11, tham gia giải trình trước Quốc hội đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới chế độ công vụ, công chức là chủ trương lớn và quan trọng, được đề cập trong các Nghị quyết của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị. Mục tiêu, quan điểm xuyên suốt là xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, cấp chính quyền. Đồng thời thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp.

Công tác này luôn nhận được sự quan tâm của Quốc hội và cử tri cả nước. Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 56 (Quốc hội khóa XIV) về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp, tổ chức, kiện toàn tổ chức hành chính nhà nước và cải cách chế độ công vụ, công chức theo các chủ trương định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém về phẩm chất, năng lực chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao, còn tình trạng tham nhũng vặt. Công tác thực thi chính sách pháp luật còn chưa hiệu quả, vẫn còn sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, việc xử lý sai phạm chưa nghiêm. Công tác đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa thực chất, số liệu chưa thuyết phục.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định, những tồn tại, hạn chế nêu trên Chính phủ cũng đã nắm được và đang từng bước có giải pháp xử lý. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ một số nhóm giải pháp để kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước trong thời gian tới.

Trước hết, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và công vụ công chức để thể chế hóa chủ trương của Đảng, các luật mới sẽ được Quốc hội thông qua, trong đó đặc biệt lưu ý những vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã nêu như về văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng, xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ; xử lý cán bộ sau khi nghỉ hưu; sắp xếp cán bộ dôi dư do tinh giản biên chế; về vị trí việc làm, chính sách đặc thù phù hợp đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, phương thức thi nâng ngạch công chức...

Đồng thời, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành không quy định việc thành lập tổ chức trong các văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để triển khai thống nhất các chủ trương này.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức của các cơ quan, bố trí số lượng cấp phó phù hợp. Đối với việc thí điểm hợp nhất các Sở ở địa phương, căn cứ ý kiến của các cơ quan, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi, thận trọng trong công tác sắp xếp, tổ chức và bố trí cán bộ.

Đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII gắn với nâng cao chất lượng và thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Chỉ đạo các Bộ hoàn thiện định mức biên chế giáo dục, y tế cho phù hợp với thực tế.

Rà soát, ban hành Nghị quyết của Chính phủ đẩy mạnh phân cấp quản lý theo ngành, lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương. Thực hiện có hiệu quả tinh giản biên chế, quan tâm công tác cán bộ khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư.

Riêng đối với khối giáo dục và y tế, để thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19 của Trung ương bảo đảm nguyên tắc đáp ứng dịch vụ cơ bản thiết yếu cho xã hội, với "phương châm có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế”, Chính phủ đã bổ sung giáo viên mầm non cho các tỉnh có mức tăng dân số cơ học cao và các tỉnh Tây Nguyên. Đối với các địa phương còn lại vẫn thiếu biên chế, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành, địa phương để giải quyết.

Đối với các cấp học khác, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về sắp xếp, giảm đầu mối, đơn vị. Đồng thời rà soát, sửa đổi quy định về định mức bảo đảm phù hợp với thực tiễn các địa phương còn chỉ tiêu biên chế (thực hiện tuyển dụng các trường hợp đã ký hợp đồng trước năm 2015 đã đóng bảo hiểm y tế).

Chấn chỉnh các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm đề bạt người thiếu tiêu chuẩn, sai quy trình, bổ nhiệm người nhà. Làm đúng chức trách của người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, phát hiện và xử lý vi phạm.

Tăng cường trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong công tác đánh giá cán bộ, bảo đảm thực chất tránh ý kiến trái chiều trong dư luận và xã hội về kết quả đánh giá. Qua đó, tạo cơ sở thực hiện tinh giản biên chế, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, những vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy, về tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề động đến tổ chức con người, do đó rất phức tạp.

"Trong quá trình thực hiện phải giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại đã tồn tại một thời gian dài. Chính phủ xác định phải làm từng bước thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng đồng thời phải bảo đảm hợp tình, hợp lý, cá biệt có những vấn đề phải hợp đạo lý”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho biết, Chính phủ có chủ trương giải quyết những vấn đề nêu trên phải vừa đạt được yêu cầu của các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, vừa không tạo ra những vấn đề xã hội bức xúc. Điển hình như giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng, sắp xếp cán bộ dôi dư, vấn đề sáp nhập một số cơ quan,...

Bên cạnh đó, đối với một số vấn đề Quốc hội đang thảo luận như sáp nhập ba Văn phòng (đã được xác định trong Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương) và một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tổ chức bộ máy, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân, Chính phủ sẽ trân trọng lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để có phương án tiếp thu phù hợp.


Theo Nhandan

Các tin khác


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm triển lãm của họa sĩ Ngô Mạnh Lân

Chiều tối 6-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm triển lãm tranh ký họa "Nét thời gian” của Nghệ sĩ Nhân dân, PGS, TS, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đang diễn ra tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cùng dự có Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an.

Kiểm tra thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tại huyện Yên Thủy

(HBĐT) - Ngày 6/11, đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy do đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 tại huyện Yên Thủy.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10

Chiều 5-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.

Tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH để đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thời gian tới

(HBĐT) - Sáng 5/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, QH tiếp tục thảo luận ở Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Kiểm tra thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tại Cục Thuế tỉnh

(HBĐT) - Ngày 5/11, đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy do đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 tại Cục Thuế tỉnh.

Cần chế tài đủ mạnh để xử lý tội phạm về môi trường

Sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục