Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2020) và nhân dịp đầu năm mới 2020, Văn phòng Quốc hội lựa chọn tám sự kiện nổi bật trong năm 2019 của Quốc hội. 


Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Năm 2019 là năm thứ tư của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng với tinh thần chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cao hơn, trong năm 2019, Quốc hội tiếp tục hoạt động ngày càng dân chủ và hiệu quả, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.

1- Nhiều đạo luật quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được Quốc hội xem xét, thông qua

Năm 2019, Quốc hội đã thông qua 18 dự án luật, bộ luật với tỷ lệ đại biểu tán thành cao, trong đó có dự án luật đạt tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Các dự án luật, bộ luật được thông qua là cơ sở pháp lý rất quan trọng, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách chế độ công chức, công vụ, phòng, chống tham nhũng.

Trong đó, có những chính sách quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận cử tri, như: nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đối với nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi (trong điều kiện lao động bình thường); tăng chế tài và xử lý vi phạm giao thông, trong đó quy định cấm điều khiển các phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, qua đó góp phần giảm tỷ lệ tai nạn giao thông ở nước ta; xây dựng chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm,v.v.

2- Tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Trong năm 2019, Quốc hội tiếp tục có những cải tiến, nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn theo phương thức "Hỏi nhanh – Đáp gọn”. Có nhiều đại biểu Quốc hội tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7 có gần 230 lượt, tại Kỳ họp thứ 8 có gần 250 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận. Không khí cởi mở, dân chủ, đổi mới và tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong hoạt động chất vấn đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước.

Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn lại của Quốc hội ở Kỳ họp thứ 6, trong năm 2019, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 đối với 15 bộ trưởng, trưởng ngành. Việc làm này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát.

Đây cũng là năm đầu tiên video, hình ảnh chuyên đề được sử dụng để báo cáo kết quả giám sát; lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ thông tin sử dụng phần mềm chuyển giọng nói sang dạng văn bản trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, việc này giúp trả lời hết các nội dung của người hỏi và giúp Chủ tọa thuận lợi hơn trong việc tổng hợp kết quả.

3- Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Đến nay, đây là lần đầu tiên trong 14 nhiệm kỳ của Quốc hội có một nghị quyết về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp trở thành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Nghị quyết đã chỉ rõ các chỉ tiêu, những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên, mục tiêu quốc gia được ban hành để tránh chồng chéo, trùng lắp, thất thoát, lãng phí và minh bạch cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này so với cả nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.

4- Đẩy mạnh việc thể chế hóa chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Trong năm 2019, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều quyết định quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII.

Trong đó, có những nội dung nổi bật như tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 quy định về nguyên tắc và cách thức sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2019 – 2021, từng bước xem xét, thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cụ thể thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

5- Quốc hội Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA-41

Vào ngày 29-8-2019, tại Bangkok, Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Quốc hội Việt Nam nhận chiếc búa danh dự của Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (AIPA) để đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA-41, nhiệm kỳ 2019 - 2020. Sự kiện này là một trong những dấu mốc quan trọng chuẩn bị cho năm 2020 – một năm rất đặc biệt đối với nước ta khi đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN) và Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (AIPA).

6- Quốc hội ban hành Nghị quyết mang tính lịch sử cho việc quản lý và phát triển đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành nghị quyết mang tính lịch sử về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia.

Nghị quyết này đã hình thành khung pháp lý vững chắc cho việc quản lý và phát triển đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, thể hiện ý chí, quyết tâm hợp tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, vì hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân hai bên.

7- Kỷ niệm trọng thể 130 năm ngày sinh các vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn

Trong năm 2019, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (5-6-1889 – 5-6-2019) và Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19-9-1889 – 19-9-2019). Phát biểu tại các buổi lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu bật những công lao, những cống hiến to lớn của các vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đối với cách mạng Việt Nam.

Các hoạt động trong dịp lễ kỷ niệm này đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền nhân; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

8- Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động của Quốc hội

Năm 2019 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Bắt đầu từ Kỳ họp thứ 7, phần mềm hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội trên các thiết bị thông minh (máy tính bảng, điện thoại di động...) lần đầu tiên được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thông minh như cung cấp đầy đủ các tài liệu kỳ họp; tìm kiếm nhanh các tài liệu bằng giọng nói, tính năng đọc văn bản giấy, trao đổi, tương tác trực tuyến; theo dõi các chủ đề liên quan hoạt động của Quốc hội được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội...

Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nhận dạng giọng nói đã giúp cho việc điều hành các phiên họp trở nên hiệu quả, thông suốt, phục vụ nhanh chóng việc gỡ băng ghi âm các nội dung thảo luận của Quốc hội.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong năm 2019, Quốc hội lần đầu tiên tổ chức thành công kỳ họp không giấy tờ, góp phần nâng cao tính hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội, nhận được sự đánh giá cao của đại biểu Quốc hội và dư luận cử tri.

Bảy luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, gồm: Luật Giáo dục; Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế; Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

 

11 luật, bộ luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Chứng khoán; Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

 

TheoNhanDan

Các tin khác


Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 1/2020

(HBĐT) - Ngày 3/1, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội nghị báo cáo viên T.Ư trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị "Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; các báo cáo viên T.Ư công tác ở tỉnh và báo cáo viên cấp tỉnh.

Huyện Đoàn Lạc Thủy triển khai nhiệm vụ năm 2020

(HBĐT) - Ngày 2/1, Huyện Đoàn Lạc Thủy tổ chức  hội nghị tổng kết chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiến nhi năm 2019, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Khát vọng vì một Việt Nam cường thịnh

Tết đến Xuân về đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng. Trong không khí vui mừng phấn khởi của những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn, chia sẻ những cảm xúc, suy ngẫm về những công việc mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang nỗ lực phấn đấu để đạt được thành quả như ngày hôm nay. 

Phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Canh Tý 2020

(HBĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 30/12/ 2019 Về phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Canh Tý 2020.

Các Nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVI

(HBĐT) - LTS: Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua 35 nghị quyết quan trọng về các vấn đề KT-XH của tỉnh. Báo Hòa Bình trích đăng nội dung chính một số nghị quyết quan trọng.

Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền thăm, tặng quà Tết tại huyện Cao Phong

(HBĐT)-Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngày 2/1, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền đã thăm và tặng quà cho hội viên NCT xóm Má 1, Má 2, xã Bắc Phong (Cao Phong). Tham dự có Tiến sỹ Bùi Ỉnh, Chủ tịch Hội NCT tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Cao Phong và cấp ủy, chính quyền xã Bắc Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục