Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Vũ Ðức Ðam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Ðinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý (HÐQL) BHXH Việt Nam; Ðào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các thành viên HÐQL BHXH Việt Nam. Tại 63 điểm cầu địa phương, có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các sở, ban, ngành liên quan và BHXH cấp tỉnh, huyện.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, qua 25 năm hình thành và phát triển, BHXH Việt Nam đã đóng vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH), góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu ngành BHXH đã đạt được trong thời gian qua. Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH đạt gần 16 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động); số người tham gia BHYT đạt gần 86 triệu người (chiếm 90% dân số). Với tỷ lệ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21; nếu so với một số quốc gia phát triển trên thế giới thì để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nêu trên phải mất từ 40 đến 80 năm.
Cùng với số lượng người thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT không ngừng tăng, bình quân mỗi năm có hàng chục triệu lượt người hưởng chế độ BHXH, hàng trăm triệu lượt người hưởng chế độ BHYT. Theo đó, quỹ BHXH, quỹ BHYT đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất; tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ BHXH ngày càng tăng; tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho BHXH ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Ðảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm ASXH.
Thủ tướng yêu cầu, BHXH Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể hơn, sáng tạo hơn để khắc phục những bất cập, hạn chế như: Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT phải thường xuyên đổi mới, cập nhật cho phù hợp thông lệ quốc tế. Chính sách ASXH cần ứng dụng công nghệ số để quản lý thống nhất, bảo đảm hiệu quả, giảm chi phí thường xuyên cho bộ máy tổ chức của BHXH; cần giảm mạnh thời gian nộp BHXH trong thời gian tới; giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, trốn đóng BHXH; nâng cao công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan với BHXH...
Ðể BHXH thật sự trở thành trụ cột chính của hệ thống ASXH đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả những quan điểm lớn trong Nghị quyết số 28 của Trung ương về chính sách BHXH để đạt được những thắng lợi, mục tiêu đề ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng gợi mở năm nhóm giải pháp đối với toàn ngành BHXH. Thứ nhất, phát triển hệ thống chính sách BHXH, BHYT linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp hài hòa theo nguyên tắc đóng hưởng công bằng, bình đẳng chia sẻ bền vững. Thứ hai, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, kết hợp hài hòa giữa kế thừa ổn định với đổi mới phát triển và phải đặt trong mối tương quan giữa đổi mới phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là thu nhập, trợ cấp xã hội cho người dân phải nâng cao hơn. Thứ ba, tổ chức thực hiện chính sách BHXH bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại; nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân, cũng như các chủ thể tham gia BHXH. Thứ tư, phát triển tổ chức hệ thống chính sách BHXH là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, trách nhiệm của cấp ủy đảng và chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp cũng như người dân.
Thủ tướng yêu cầu, BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả, gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, liên thông trong thực thi chính sách. BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong việc bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của người lao động. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống ASXH theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, thống nhất, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm công bằng, bền vững, bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mở rộng độ bao phủ BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành; liên thông giải quyết thủ tục hành chính trên Trục dữ liệu quốc gia, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử.
Tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng BHXH Việt Nam, vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2019; trao Huân chương Ðộc lập hạng ba của Chủ tịch nước tặng Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng tại hội nghị, BHXH Việt Nam đã phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2020 của ngành BHXH, với chủ đề: "Công chức, viên chức ngành BHXH nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm; nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020”.
Theo BaoNhanDan