(HBĐT) - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, vào mỗi dịp đầu năm mới, UBND tỉnh đều phát động phong trào thi đua yêu nước (PTTĐYN) quy mô toàn tỉnh. Trên cơ sở đó thúc đẩy PTTĐ ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo khí thế thi đua sôi nổi, nhân lên những điển hình, tấm gương "Người tốt, việc tốt” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba cho các tập thể, cá nhân tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025.

Nở rộ những "bông hoa” đẹp

Từ những PTTĐYN được phát động trong 5 năm qua như: Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; "Tỉnh Hòa Bình chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; "Nông dân tỉnh Hòa Bình thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, "Thi đua thâm canh tăng vụ”; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với "Chương trình xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”; "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, "Năm xung kích phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc”; "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; "Hiến đất làm đường”; "Giúp hộ nghèo có địa chỉ”… đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, được biết đến như những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua.Đại hội TĐYN tỉnh Hòa Bình lần thứ V, giai đoạn 2020-2025 vừa qua có sự tham dự của 396 đại biểu tiêu biểu, đại diện cho các tập thể, cá nhân, điển hình tiến tiến trong PTTĐYN của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, 13 điển hình tiêu biểu nhất được điểm mặt, nhắc tên nhằm truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Một trong những "bông hoa” đẹp đó là cậu trò giỏi của trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ có cái tên khá ấn tượng Trần Minh Sáng. Từ khi còn là học sinh THCS, Sáng đã thể hiện rõ năng khiếu và sự đam mê với môn Toán học và Tin học. Niềm đam mê ấy đã giúp cậu trò nhỏ luôn đạt thành tích cao trong học tập. Nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán học, Tin học, giải Toán trên máy tính cầm tay. Thi đỗ vào lớp 10 chuyên Tin, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Sáng chuyên tâm hơn với môn học em yêu thích, say mê. Kết quả, khi đang là học sinh lớp 10, em đã đạt huy chương bạc Olympic các trường chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ, huy chương bạc Olympic trại hè Hùng Vương. Lên lớp 11, em tiếp tục đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Tin học và huy chương vàng Olympic các trường chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều năm liên tục, em đạt học sinh giỏi toàn diện.

Một "bông hoa” đẹp khác được ĐV-TN trong tỉnh xem như người truyền cảm hứng, đó là chàng trai trẻ Trần Trung Đức (SN 1991), trú tại xóm Tân Sơn, xã Liên Sơn (Lương Sơn), ông chủ của thương hiệu chuối Viba. Xếp gọn tấm bằng đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh để về quê trồng chuối, chàng trai trẻ đã dốc sức tìm tòi, sáng tạo kết nối thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, đến nay, mở rộng diện tích chuối Viba tới 20 ha. Lượng khách hàng lên đến trên 1.000 đối tác. Doanh thu hàng năm của HTX chuối Viba đạt trên 9 tỷ đồng, điều quan trọng là HTX đã giải quyết việc làm cho trên 50 lao động địa phương.

Nỗ lực nghiên cứu, học tập để nâng cao tay nghề, tiến sĩ, bác sỹ Trương Như Hiển (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã sớm làm chủ các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới liên quan đến phẫu thuật thần kinh - ung bướu, trực tiếp thực hiện tất cả các ca phẫu thuật khó về thần kinh - ung bướu, được bệnh viện và bệnh nhân tin tưởng. Ngoài việc thực hiện hoạt động chuyên môn, bác sỹ Hiển dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu khoa học. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2019, bác sỹ Hiển là chủ nhiệm của 9 đề tài nghiên cứu được công nhận cấp ngành, cấp tỉnh và T.Ư. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (năm 2019, bác sỹ Hiển cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đạt giải ba với giải pháp "Điều trị phẫu thuật hẹp ống sống thắt lưng do thoái hóa với dụng cụ Rocker tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.

Nhiệt tâm với các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, Thiếu tá Nguyễn Tiến Luật, Phó trưởng Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã xây dựng được hình ảnh đẹp người chiến sỹ Công an trong lòng Nhân dân. Khởi xướng thành lập, duy trì hoạt động của 12 đội thanh niên tình nguyện, cùng ĐV-TN tham gia hàng chục đợt tình nguyện tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, tổ chức 654 buổi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phòng chống tai, tệ nạn xã hội; tặng 1.250 đầu sách pháp luật cho các tổ chức Đoàn; tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 2.560 người, tặng 750 suất quà cho gia đình chính sách, gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ sửa chữa, xây mới 5 ngôi nhà nhân ái, xây dựng 1 cây cầu dân sinh; 6 công trình sân khấu nổi và sân chơi cho thiếu nhi; tổ chức cấp chứng minh nhân dân lưu động cho 10.700 người dân; hàng năm nhận hỗ trợ 10 học sinh nghèo vượt khó... Những đóng góp của Thiếu tá Luật đã được ghi nhận: năm 2016, 2019 đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân; 5 năm liên tục (2015 - 2019) đạt chiến sỹ thi đua cơ sở, 5 bằng khen Bộ Công an, 1 bằng khen UBND tỉnh, 4 bằng khen T.Ư Đoàn và giải thưởng thanh niên tiêu biểu trong Công an nhân dân...

Miệt mài trên cánh đồng văn hóa dân gian, dành tất cả tâm huyết để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường, trong giai đoạn 2015 - 2020, ông Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đã sưu tầm, nghiên cứu và in gần 20 đầu sách in riêng, 5 đầu sách in chung với nhiều tác giả; sưu tầm, biên dịch hơn 100 bài dân ca Mường. Nghiên cứu 5 đề tài khoa học cấp bộ và cấp tỉnh; công bố hơn 50 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành cấp tỉnh và cấp T.Ư. Bên cạnh đó, ông tham gia sưu tầm, khảo tả lập hồ sơ gần 10 di sản văn hóa phi vật thể như các lễ hội: đình Khênh, đình Băng, đình Khói. Ông còn tham gia đạo diễn phục dựng các lễ hội dân gian Mường, tham gia soạn tài liệu và giảng dạy tiếng, chữ Mường cho cán bộ, giáo viên trong tỉnh; viết báo và dịch sang tiếng Mường trên Báo Hòa Bình Điện tử và một số báo khác. Ông lập 2 kênh YouTube để quảng bá văn hóa Mường, thu hút hơn 2 triệu lượt người truy cập… Với những nỗ lực, cống hiến, năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2017, ông tiếp tục nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Cảm thông với những số phận kém may mắn, năm 2008, chị Vì Thị Thuận, chủ cơ sở bảo trợ Thuận Hòa, bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) thành lập cơ sở Thuận Hòa làm nghề dệt thổ cẩm, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng để dạy nghề, tạo việc làm cho những phụ nữ khuyết tật. Hiện tại, cơ sở duy trì dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho 35 phụ nữ là người dân tộc thiểu số, trong đó có 16 chị bị khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn. Với những đóng góp cho xã hội, chị Vì Thị Thuận đã được trao tặng huy hiệu nghệ nhân tiêu biểu, bằng khen của UBND tỉnh, được T.Ư Hội LHPN Việt Nam tặng giải thưởng KOVA hạng mục sống đẹp.

Mấy năm gần đây có một cái tên được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn về phát triển nông nghiệp, bảo vệ cây trồng, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV (Sở NN&PTNT). Những năm qua, Tiến sĩ Yến đã chủ biên tham gia biên soạn 7 cuốn sách và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh trên các cây trồng chính của tỉnh. Chủ trì triển khai hệ thống thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; huy động các nguồn vốn trang bị trên 2.000 thùng thu gom, góp phần cải thiện đáng kể môi trường khu vực sản xuất trồng trọt trọng điểm của tỉnh. Chủ trì và tham gia thực hiện 1 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp bộ và cấp tỉnh (chủ trì 3 giải pháp), có 1 giải pháp được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016. Các giải pháp đều có tính ứng dụng cao. Những nỗ lực đó đã được ghi nhận. Năm 2016, Tiến sĩ Yến được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; năm 2017 được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2019 được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh...

Còn nhiều "bông hoa đẹp” trong khuôn khổ bài viết không thể gói gọn. Họ thực sự là những hạt nhân tiêu biểu, những cá nhân xuất sắc trong các PTTĐYN. Những phần việc tốt mà họ đã làm tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thúc đẩy PTTĐYN thêm phần sôi nổi, rộng khắp.

Tạo diện mạo mới cho quê hương Hòa Bình

Đánh giá, nhìn nhận về thực hiện PTTĐYN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh chia sẻ: PTTĐYN của tỉnh trong những năm gần đây có nhiều đổi mới. Các cấp, ngành, các tổ chức CT-XH, các thành phần kinh tế, LLVT và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã gắn việc thực hiện các PTTĐ với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Từ sau Đại hội TĐYN của tỉnh lần thứ IV (năm 2015) đến nay, PTTĐ không ngừng phát triển, tạo thành động lực lớn động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Công tác thi đua - khen thưởng được triển khai thường xuyên, nghiêm túc, ngày càng thiết thực đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN trên địa bàn tỉnh.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá (đạt 7,59%), cao hơn mức bình quân của cả nước. Thu nhập bình quân đạt khoảng 63,8 triệu đồng/người/năm, cao hơn trung bình khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Thu ngân sách hàng năm tăng 17%, vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Kinh tế tiếp tục ổn định và có bước phát triển; kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ. Chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo nâng cao đời sống Nhân dân cả về vật chất, tinh thần. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; ANCT - TTATXH giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố... Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho Hòa Bình vững bước trên đường hội nhập, phát triển.


Thúy Hằng


Các tin khác


Tiếp tục trình Quốc hội thảo luận hai phương án rút bảo hiểm một lần

Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục